Trang chủ Kinh nghiệm Đầu Tư #10 – HỆ LỤY CỦA FOMO VỚI NHÀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

12/04/2022 - 07:06

#10 – HỆ LỤY CỦA FOMO VỚI NHÀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Có lẽ các nhà đầu tư chứng khoán đã khá quen thuộc với thuật ngữ FOMO, nhưng không phải ai cũng biết được FOMO ảnh hưởng sâu rộng và gây hệ lụy lớn như thế nào trong đầu tư chứng khoán. Video ngày hôm nay, YSedu sẽ cùng các bạn tìm hiểu về hội chứng tâm lý này nhé!

FOMO là gì?

FOMO là viết tắt của cụm từ “Fear of missing out” – sợ bỏ lỡ mất cơ hội. Một ví dụ đơn giản để các bạn hiểu, hầu hết ai cũng đều có tài khoản Facebook. Chúng ta có xu hướng lướt Facebook mỗi ngày, mỗi giờ để cập nhật những tin tức mới về làng giải trí, bóng đá,… bởi không muốn bỏ lỡ những thông tin đó. Đó là một trường hợp điển hình về FOMO. Còn trong đầu tư chứng khoán, FOMO là nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm được khoản lợi nhuận lớn trên thị trường khi đứng ngoài trào lưu của đám đông của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nỗi sợ đó khiến các nhà đầu tư vội vàng đặt lệnh mua bất chấp giá cổ phiếu hiện tại đang rất cao so với giá trị thực, nhưng sau đó cố phiếu này bất ngờ tuột dốc không phanh, khiến họ không kịp trở tay và đánh mất tất cả chỉ trong tích tắc. Chẳng hạn thời gian vừa qua, dư luận đã bàn tán rất nhiều về nhóm cổ phiếu Louis. Các cổ phiếu này đã tăng giá rất mạnh từ đầu năm nay. Có những thời điểm, rất nhiều cổ phiếu họ Louis đều tăng trần, đi ngược lại xu hướng giảm điểm của VN-index, điển hình là 2 cổ phiếu TGG của công ty cổ phần Louis Capital và BII của công ty cổ phần Louis Land. Từ chỗ là nhóm cổ phiếu với mức giá vô cùng khiêm tốn, TGG và BII duy trì đà tăng phi mã lên hàng chục lần, đẩy vốn hóa doanh nghiệp lên hàng nghìn tỷ đồng bất chấp kết quả kinh doanh không thực sự hiệu quả. Mã cổ phiếu TGG trong nhóm Louis đầu năm 2021 chỉ có mức giá 1200 đồng, nhưng đến tháng 9 đã lập đỉnh với giá hơn 74 nghìn, cao hơn cả giá cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát hay Petrolimex. Chính điều đó đã thôi thúc những người mang hội chứng FOMO bắt đầu lao theo số đông để mua vào. Hệ quả là, sau một thời gian tăng nóng, nhóm cổ phiếu Louis quay đầu lao dốc, mỗi ngày có 20-30 triệu cổ phiếu dư bán sàn nhưng trắng bên mua.

Tại sao nhà đầu tư dễ bị FOMO chi phối?

Những ai đặt kỳ vọng quá cao vào thị trường hay quá háo thắng sẽ là đối tượng dễ bị FOMO chi phối. Mặc dù đã đạt được thành quả nhất định nhưng nhà đầu tư vẫn luôn muốn thắng đậm, lợi nhuận phải gấp 2 gấp 3 lần lợi nhuận trước. Ngay cả Isaac Newton – nhà bác học lỗi lạc nhưng cũng là nạn nhân của FOMO với phi vụ South Sea Company, đến nỗi ông từng thốt lên rằng: “Tôi có thể tính toán được sự chuyển động của các hành tinh, nhưng không thể tính toán được sự chuyển động điên rồ của con người”. Sau khi lao vào đầu cơ cổ phiếu công ty South Sea – cổ phiếu đang rất hot lúc bấy giờ, ông quyết định bán và thu về khoản lợi nhuận tương đương 1,5 triệu USD ngày nay. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi chốt lời, cổ phiếu này tiếp tục tăng mạnh, Newton nhanh chóng bị cuốn theo tâm lý đám đông, tiếp tục dồn hết gia sản của mình để mua vào lượng lớn cổ phiếu công ty này ở giá cao. Không may cho Newton, ngay sau khi ông gia nhập thị trường thì cổ phiếu South Sea trượt dốc mạnh khiến ông thua lỗ 20.000 bảng Anh, một con số rất lớn vào thời điểm đó.

Hậu quả của FOMO gây ra cho nhà đầu tư

Hậu quả dễ nhận thấy nhất là nhà đầu tư sẽ thường lo lắng, bất an vì sợ mình trở thành kẻ duy nhất ngoài cuộc khi mà hầu hết mọi người đều mua vào cổ phiếu nào đó. Bên canh đó, nhà đầu tư sẽ rơi vào tình cảnh mua đỉnh bán đáy, thua lỗ nghiêm trọng và nhận về rủi ro vượt quá mức có thể chấp nhận. Giống như trường hợp một nữ đại gia từng chi hơn trăm tỷ mua cổ phiếu Louis đã phải tháo chạy cùng khoản lỗ 56 tỷ đồng chỉ sau 12 ngày.

Làm cách nào để có thể chiến thắng FOMO khi đầu tư chứng khoán

1. Tiến hành cắt lỗ đúng thời điểm

Khi bị cuốn vào vòng đu đỉnh, bạn cần lấy lại bình tĩnh và đừng ngại cắt lỗ. Việc cắt lỗ sớm sẽ giúp bạn bảo toàn một phần vốn và tái đầu tư khi thị trường có những tín hiệu tích cực hơn. Đừng vì nuối tiếc một phần vốn đã mất mà để số vốn còn lại từng ngày bốc hơi.

2. Tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc

Thị trường chứng khoán không chỉ có những nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia mà còn có cả những thế lực vô hình. Những thế lực này rất biết cách điều khiển tâm lý phần còn lại thông qua tin tức. Khi đọc, nghe đến tin tức nào đó bạn cần tìm hiểu, kiểm chứng lại xem thông tin đó là đúng hay sai, đừng vội vàng đưa ra quyết định thiếu căn cứ để rồi hối hận.

3. Lập kế hoạch đầu tư của bản thân

Lập bảng phân bổ vốn tham gia cho từng thương vụ, xác định thời điểm tham gia, dự kiến kịch bản và hành động tương ứng. Bạn phải luôn tự nhắc nhở bản thân: Chỉ hành động theo kế hoạch. Nếu cố phiếu vượt quá điểm mua, hoặc dư mua trần không mua được thì nhất định không cố gắng mua vào bằng được, bởi chắc chắn sẽ còn rất nhiều cơ hội và cổ phiếu khác tốt hơn

4. Nâng cao vốn hiểu biết về thị trường chứng khoán

Giống như người lính trước khi ra chiến trường phải chuẩn bị vũ khí, nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán phải trang bị đầy đủ kiến thức bởi đây là thị trường chứng khoán không chỉ có hoa hồng, mà vẫn có cả sự gai góc, chỉ những ai vượt qua được sự gai góc đó sẽ xứng đáng nhận được phần thưởng là hoa hồng đẹp và thơm. Để làm được điều đó bạn phải tìm hiểu xu hướng thị trường hiện tại như thế nào, triển vọng của các ngành nghề ra sao, doanh nghiệp nào có những yếu tố tăng trưởng trong tương lai, phương pháp đầu tư nào phù hợp với mình, cách xây dựng chiến lược để đầu tư hiệu quả,… tất cả những điều này bạn có thể tham khảo qua các sách về tài chính chứng khoán, hay đơn giản hơn, bạn có thể tích lũy những kiến thức trên qua kênh youtube của Yuanta Việt Nam. Chúng tôi sẽ luôn cập nhật kiến thức để các nhà đầu tư tự tin tham gia thị trường.