Trang chủ Kinh nghiệm Đầu Tư #17 – TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ BAN LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP

10/05/2022 - 06:08

#17 – TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ BAN LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP

Khi đánh giá chất lượng 1 doanh nghiệp nào đó, thông thường nhà đầu tư chỉ phân tích các yếu tố cơ bản như chỉ số tài chính và giá trị thực của doanh nghiệp, mà quên đi 1 yếu tố vô cùng quan trọng, đó chính là Ban lãnh đạo. Ban lãnh đạo là tài sản vô hình và được xem như linh hồn của doanh nghiệp. Nếu dù bạn có chọn được 1 cổ phiếu có các yếu tố cơ bản tốt nhưng lại có 1 đội ngũ ban lãnh đạo tồi thì bạn cũng khó mà kiếm được lợi nhuận từ cổ phiếu đó.Thế nhưng việc đánh giá Ban lãnh đạo là điều không hề đơn giản. Nếu bạn đang loay hoay chưa biết cách nhận định Ban lãnh đạo của doanh nghiệp mình quan tâm thì hãy theo dõi hết video nhé!

Ban lãnh đạo là ai?

Ban lãnh đạo là những người đứng đầu doanh nghiệp, là người đưa ra quyết định cuối cùng cho hoạt động của doanh nghiệp. Vai trò của họ trong doanh nghiệp hết sức quan trọng bởi doanh nghiệp thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào những quyết định này. Ban lãnh đạo giỏi sẽ có những quyết định đúng đắn, chèo lái đưa doanh nghiệp vượt qua những thời khắc khó khăn và doanh nghiệp ngày một phát triển lớn mạnh. Ngược lại, Ban lãnh đạo yếu kém với những quyết định sai lầm sẽ khiến doanh nghiệp mất đi những cơ hội kinh doanh quý báu và đánh mất vị thế trước các đối thủ. Trong một doanh nghiệp cổ phần, nhiệm vụ của Ban lãnh đạo chính là tạo ra giá trị cho cổ đông, làm sao để dưới sự điều hành của mình, doanh nghiệp có thể tạo được càng nhiều giá trị kinh tế cho cổ đông càng tốt.

Để đánh giá được Ban lãnh đạo là tốt hay yếu kém, chúng ta có thể dựa vào những tiêu chí sau đây:

  1. Khoảng thời gian gắn bó với doanh nghiệp

Jack Welch là một trong những nhà lãnh đạo kinh doanh nổi tiếng nhất trên thế giới vì sự cống hiến và đóng góp to lớn cho thành công rực rỡ của tập đoàn General Electric. Ông được nhiều tạp chí hàng đầu như Time, Fortune, Business Week ca ngợi là vị CEO vĩ đại nhất nước Mỹ. Dưới thời Welch, tập đoàn kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực điện máy này phát triển vượt bậc với tổng doanh thu hàng năm lên đến 130 tỷ USD. Vào những năm 1990, lợi nhuận của tập đoàn tăng lên gấp gần 15 lần với trên 14 tỷ USD. Những điều này minh chứng cho khả năng quản lý, điều hành hoàn hảo của Jack Welch. Ông đã gắn bó với General Electric gần 20 năm trước khi về hưu, một khoảng thời gian rất dài. Thời gian gắn bó với doanh nghiệp phản ánh Ban lãnh đạo có thực sự cam kết đồng hành với doanh nghiệp và dành hết tâm huyết cho doanh nghiệp mình đang điều hành hay không. Nhà đầu tư tài ba Warren Buffett rất xem trọng yếu tố thời gian gắn bó với doanh nghiệp khi đánh giá Ban lãnh đạo. Ông luôn tìm kiếm các công ty có Ban lãnh đạo tài năng, phục vụ doanh nghiệp trong một khoảng thời gian dài.

  1. Tầm nhìn và chiến lược

Chiến lược và tầm nhìn sẽ thể hiện cái tầm, cái tài của Ban lãnh đạo. Ban lãnh đạo có tầm nhìn sẽ nhìn thấy những cơ hội kinh doanh mà ít người nghĩ tới. Chắc hẳn các bạn ai cũng đều nghe đến cái tên Jeff Bezos. Ông là người sáng lập kiêm CEO của công ty thương mại điện tử Amazon và là tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản 180 tỷ USD. Ở thời điểm mà internet còn chưa phát triển, ông đã nhìn thấy tiềm năng của internet và bắt đầu suy nghĩ về những gì mình có thể bán trực tuyến, dần dần ông đã xây dựng nên một đế chế tỷ USD. Nếu như bạn mua cổ phiếu của Amazon năm 1997 với 5000 USD thì hiện tại, bạn đã có khối tài sản khổng lồ với 2 triệu USD.

Bên cạnh đó, hãy xem đến chiến lược mà Ban lãnh đạo thiết lập cho doanh nghiệp cũng như kế hoạch kinh doanh và định hướng phát triển, tra lại các báo cáo thường niên để xem liệu Ban lãnh đạo có thực hiện đúng với kế hoạch và chiến lược mà họ đặt ra cách đây nhiều năm hay không, từ đó bạn sẽ biết đó có phải là Ban lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn, có khả năng đứa ra các quyết sách phù hợp với xu hướng, đủ linh hoạt và bản lĩnh để lèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt đước giông báo khó khăn nếu trường hợp đó xảy ra hay không.

  1. Kế hoạch mua cổ phiếu nội bộ và cổ phần doanh nghiệp

Không ai có thể hiểu rõ doanh nghiệp hơn các nhà quản trị của doanh nghiệp đó, do đó việc lãnh đạo cấp cao nắm giữ đáng kể cổ phần của doanh nghiệp mà họ điều hành được xem là tín hiệu tốt. Bởi vì giống như những nhà đầu tư cá nhân khác, chỉ khi nhìn thấy triển vọng doanh nghiệp và khả năng sinh lời thì họ mới mua cổ phiếu. Tuy nhiên bạn cũng cần xem xét đến mục đích của các nhà lãnh đạo khi mua cổ phiếu, xem liệu họ muốn mua để đầu tư dài hạn hay chỉ mua rồi bán ra nhanh chóng nhằm kiếm lợi nhuận chênh lệch. Bill Gates mặc dù có bán một ít cổ phần để đa dạng hóa đầu tư nhưng phần lớn gia tài của ông vẫn nằm dưới dạng cổ phiếu của tập đoàn Microsoft. Điều này chứng tỏ ông tin tưởng vào tương lai tăng trưởng của cổ phiếu mình đang nắm giữ. Ở Việt Nam không thiếu các trường hợp ban lãnh đạo mua bán lướt sóng với cổ phiếu của chính công ty mình điều hành, nếu ban lãnh đạo chỉ chăm chú kiếm tiền từ việc lướt sóng ngắn hạn thì liệu ban lãnh đạo đó có đủ khả năng đưa ra các quyết đình dài hạn đúng đắn cho doanh nghiệp không. Tất nhiên với các trường hợp ban lãnh đạo lướt sóng cổ phiếu doanh nghiệp thường giá sẽ không tăng được nhiều vì sau 1 thơi gian ngắn cổ đông chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp hay cổ đông cá nhân cũng quay lưng lại với ban lãnh đạo chỉ nhăm nhe kiếm tiền từ cổ đông hiện hữu.

  1. Trung thực, công bằng, minh bạch

Warren Buffett từng chia sẻ: “Khi tuyển người, tôi thường tìm kiếm các ứng viên có 3 phẩm chất sau: chính trực, thông minh và tràn đầy năng lượng. Nếu tiêu chí đầu tiên không đạt thì 2 cái sau sẽ phá hủy doanh nghiệp của bạn”. Như vậy, chính trực là yếu tố không thể thiếu khi đánh giá một người, nhất là với người lãnh đạo. Thay vì giấu đi những điểm bất lợi và chỉ đề cập những điều tuyệt vời, Ban lãnh đạo phải thẳng thắn chia sẻ với cổ đông những thuận lợi và khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Bên cạnh đó, những nhà quản trị phải minh bạch và đối xử công bằng với nhà đầu tư thông qua việc cung cấp thông tin doanh nghiệp một cách đầy đủ, rõ ràng thông qua các buổi định kỳ gặp gỡ nhà đầu tư, cung cấp thông tin tình hình sản xuất kinh doanh hàng tháng, hàng quý, sẵn sàng giải đáp thắc mắc, tiếp đón cổ động, hay bộ phận phân tích các công ty 1 cách nhiệt tình.

Ban lãnh đạo có thể dẫn dắt doanh nghiệp tăng trưởng, nhưng cũng có thể khiến doanh nghiệp chìm trong thua lỗ. Tôi tin chắc rằng không ai muốn đầu tư vào doanh nghiệp thua lỗ. Vậy nên hy vọng với những chia sẻ trên đây, các bạn sẽ có kinh nghiệm hơn để lựa chọn Ban lãnh đạo tốt và đầu tư vào đúng doanh nghiệp.