Trang chủ Kinh nghiệm Đầu Tư #21 – NGHỆ THUẬT QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

03/06/2022 - 03:13

#21 – NGHỆ THUẬT QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Chắc hẳn rất nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán vì nghĩ đến lợi nhuận mà nó mang lại. Điều này là đúng bởi vì thực tế đã chứng minh có rất nhiều người đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ những khoản giao dịch. Nhưng còn một điều quan trọng không kém trong đầu tư chính là phải cân nhắc rủi ro đầu tiên bởi vì những rủi ro này có thể gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Trong video ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những rủi ro này cũng như cách để quản trị rủi ro nhé.

Trước tiên, cần phải hiểu khái niệm quản trị rủi ro là gì?

Quản trị rủi ro là quá trình phân tích, đánh giá rủi ro để tìm các biện pháp kiểm soát, hạn chế các tổn thất có thể xảy ra. Trong thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần có một quy trình quản trị rủi ro, đó là xác định các rủi ro tiềm ẩn đối với khoản đầu tư của mình và chủ động đưa ra các phương án, các biện pháp để xử lý nếu rủi ro đó xảy ra.

Vậy trong thị trường chứng khoán có những loại rủi ro nào?

  1. Rủi ro từ tình hình kinh tế xã hội

Tình hình kinh tế xã hội ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống và thị trường chứng khoán cũng không phải ngoại lệ. Nền kinh tế ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp có môi trường thuận lợi để phát triển, giúp lượng cung tiền vào cổ phiếu gia tăng. Ngược lại, nếu nền kinh tế bất ổn chắc chắn sẽ khiến cho kỳ vọng của nhà đầu tư sụt giảm, điều này có thể dẫn đến các đợt bán tháo do tâm lý hoang mang, hoặc sợ hãi quá độ, dẫn đến thị trường chứng khoán rơi vào 1 trong 2 kịch bản hoặc giảm sâu, hoặc điều chỉnh mạnh trước khi cân bằng và hồi phục trở lại.

  1. Rủi ro thị trường 

Rủi ro thị trường là loại rủi ro mà khi xảy ra thì hầu như hơn 80% cổ phiếu trên thị trường đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Rủi ro này có thể bắt nguồn từ việc lãi suất tăng, biến động giá vàng, giá hàng hóa,sự tăng mạnh của tỷ giá hối, hay các yếu tố liên quan đến chính trị hoặc địa chính trị. Rủi ro thị trường là loại rủi ro dù có thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư thì cũng vô ích. Bởi như đã đề cập là hơn 80 % các tài sản tài chính sẽ bị giảm mạnh.

Một may mắn là ngân hàng nhà nước và định chế tài chính còn lo sợ rủi ro thị trường hơn chúng ta. Thông thường các tổ chức tài chính chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư, các ngân hàng thương mại đều phải thiết lập công cụ để đo lường, cũng như đưa ra các báo cáo về rủi ro thị trường. Ở góc độ cá nhân nhà đầu tư có thể tận dụng các báo cáo của các tổ chức tài chính uy tín để điều chỉnh kế hoạch đầu tư, việc các chuyên gia liên tục đưa ra các cảnh báo về rủi ro thị trường hàm ý những nguy hiểm có thể xảy đến, nhà đầu tư nên thiết lập lại mức đầu tư tối đa và ngưỡng chốt lỗ, bởi khi rủi ro thị trường xuất hiện ngưỡng chốt lỗ sẽ rất hiệu quả trong việc bảo toàn vốn.

  1. Rủi ro doanh nghiệp

Rủi ro của doanh nghiệp có thể xuất phát từ nhiều yếu tố: tăng trưởng kinh doanh, tình hình tài chính, hay rủi ro ban lãnh đạo,…Bất cứ một yếu tố nào xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp cũng có thể khiến giá cổ phiếu sụt giảm và khiến nhà đầu tư gặp rủi ro.  

Với quá nhiều rủi ro như trên, chúng ta phải chuẩn bị những biện pháp phòng tránh rủi ro, đó là những biện pháp nào?

  1. Xác định điểm thoát lệnh

Điểm thoát lệnh là giá mà nhà đầu tư đóng một vị thế. Trước khi mua bất cứ cổ phiếu nào, nhà đầu tư cần xác định được đâu là điểm mình thoát lệnh khi thị trường diễn biến không được như chúng ta mong muốn để bảo vệ nguồn vốn hoặc giảm thiểu lỗ. Nếu tài khoản bị lỗ -10% thì không có gì đáng ngại, nhưng nếu lỗ trên 15% thì việc khôi phục lại vốn ban đầu sẽ khó hơn nhiều. Việc xác định điểm thoát lệnh tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư, tuy nhiên bạn có thể thực hiện theo gợi ý của các nhà đầu tư thành công như sau là bán khi giá điều chỉnh từ đỉnh gần nhất ở mức 8-10%, cách đặt lệnh này sẽ giúp bạn giữ được lợi nhuận và bảo toàn vốn.

  1. Khóa lợi nhuận

Khóa lợi nhuận là việc bạn đặt cho mình giá mục tiêu hay tỷ suất lợi nhuận mà bạn hài lòng, Khi giá chạm giá mục tiêu bạn có thể thực hiện việc bán toàn bộ để thực hiện hóa lợi nhuận, hoặc bạn có thể bán 1 phần ngay mức lãi kỳ vọng, phần còn lại bạn có thể chờ đợi chốt ở mức cao hơn nhưng việc bạn chốt lãi 1 phần sẽ giúp bạn thiết lập trạng thái sẵn sàng bán. Điều này rất hữu ích, giúp bạn tránh bị cuốn theo vòng xoáy khi thị trường tăng giá, tránh bị tâm lý tham lam chi phối. Bởi hầu hết các nhà đầu tư bị kẹt ở đỉnh đều do sai lầm không đặt mục tiêu khóa lợi nhuận, hầu như họ đều gặp phải tâm lý giá cao không bán, khi giá giảm thì kỳ vọng tăng lại để bán, giá giảm tiếp thì kỳ vọng bán huề vốn, tâm lý này sẽ chi phối khiến họ hoang mang bán ở đáy và rời khỏi thị trường. Việc thiết lập giá mục tiêu cũng tập cho nhà đầu tư hành động theo kỷ luật, 1 đặc tính cơ bản của nhà đầu tư thành công.

  1. Phân bổ danh mục

Thay vì tập trung đầu tư vào cổ phiếu của 1 công ty hay 1 nhóm ngành nghề, bạn nên phân bổ danh mục đầu tư của mình vào những công ty và nhóm ngành khác nhau. Việc đa dạng hóa danh mục giúp hạn chế tác động của rủi ro ngành, rủi ro từ doanh nghiệp lên toàn bộ danh mục. Nếu một cổ phiếu chiếm 80% danh mục đầu tư và cổ phiếu đó giảm 30% thì tổng tài sản cuả nhà đầu tư sẽ mất đi gần ¼ giá trị, trong khi nếu cổ phiếu đó chỉ chiếm 20% danh mục thì khoản thua lỗ sẽ giảm đi nhiều, đồng thời khoản lợi nhuận của các cổ phiếu còn lại trong danh mục sẽ giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

  1. Sử dụng đòn bẩy hợp lý

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính giúp nhà đầu tư có số vốn hạn chế tối ưu hóa cơ hội và gia tăng lợi nhuận gấp nhiều lần. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế xã hội xuất hiện những tín hiệu bất ổn thì sẽ tác động trực tiếp lên thị trường chứng khoán, lúc này các nhà đầu tư ngắn hạn nên chú ý vì đây là thời điểm mà cổ phiếu có thể bị giảm giá và giá trị tài sản ròng sẽ giảm tương ứng với tỷ lệ đòn bẩy mà nhà đầu tư đang sử dụng. Lời khuyên của YSedu là nhà đầu tư chỉ nên sử dụng đòn bẩy tài chính khi đã có kinh nghiệm đầu tư lâu năm và khi thị trường có dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng, không nên liều lĩnh khi có dấu hiệu bất ổn từ kinh tế vĩ mô.

  1. Theo dõi sát sao các khoản đầu tư

Paul Singer-người được mệnh danh là “kền kền chúa” trên thị trường tài chính đã nói rằng: “Rủi ro được quản lý mọi lúc và đảm bảo mọi thời gian, đó là cách duy nhất để thực sự kiểm soát rủi ro”. Thị trường chứng khoán cũng biến đổi từng ngày theo tình hình kinh tế trong nước và thế giới, vì vậy nhà đầu tư phải theo dõi tin tức thường xuyên để kịp thời điều chỉnh danh mục để tránh thua lỗ và tối ưu hóa lợi nhuận.

Đầu tư luôn đi kèm rủi ro. Hiểu rõ về rủi ro cũng như cách quản trị rủi ro sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra những quyết định sáng suốt. Hy vọng những chia sẻ của YSedu sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm kinh nghiệm trong giao dịch chứng khoán.