Trang chủ Kinh nghiệm Đầu Tư #22 – CÁCH LỰA CHỌN DOANH NGHIỆP TIỀM NĂNG THÔNG QUA LỢI THẾ CẠNH TRANH

30/06/2022 - 09:12

#22 – CÁCH LỰA CHỌN DOANH NGHIỆP TIỀM NĂNG THÔNG QUA LỢI THẾ CẠNH TRANH

Warren Buffett đã từng ví doanh nghiệp là 1 toà lâu đài, ông quan niệm rằng:”Điều quan trọng nhất là cố gắng tìm kiếm 1 lâu đài với 1 con hào bao quanh đủ rộng lớn và trường tồn theo thời gian”. Con hào mà ông nhắc tới ở đây chính là lợi thế cạnh tranh. Lợi thế cạnh tranh là một yếu tố không thể thiếu khi phân tích 1 doanh nghiệp. Vậy lợi thế cạnh tranh là gì và có những loại lợi thế cạnh tranh nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong video ngày hôm nay nhé.

Lợi thế cạnh tranh là gì?

Cạnh tranh là hoạt động cần có để thúc đẩy sự phát triển của xã hội và các cá thể, Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là những gì giúp cho doanh nghiệp nổi bật hơn hơn so với các đối thủ khác trên thị trường, điều này giúp doanh nghiệp có được thị phần lớn, bền vững và biên lợi nhuận tốt hơn hẳn so với các doanh nghiệp còn lại, đó có thể là cái mà doanh nghiệp làm tốt hơn hoặc là thứ mà các đối thủ còn lại không có.

Các chiến lược để tạo lợi thế cạnh tranh là gì?

Chiến lược chi phí thấp

Mục tiêu của công ty theo đuổi chiến lược chi phí thấp là tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách cung ứng sản phẩm có giá trị tương tự như đối thủ của mình nhưng với chi phí thấp hơn. Ở đây, bạn cần hiểu rằng, chiến lược chi phí thấp không có nghĩa là doanh nghiệp chào bán sản phẩm ở mức giá thấp nhất thị trường, mà là doanh nghiệp sẽ vận hành với cấu trúc chi phí thấp hơn so với đối thủ. Những yếu tố chính tạo nên lợi thế về chi phí bao gồm: chi phí nguồn lực, năng suất, công nghệ, vị trí địa lý, quy trình và mức độ tự động hóa. Để bạn hiểu rõ hơn, tôi xin lấy ví dụ về công ty cổ phần FPT. Mảng kinh doanh chủ lực của FPT là xuất khẩu phần mềm  Ở mảng này, nguồn lực đóng vai trò then chốt và chi phí cho nguồn lực sẽ chiếm phần lớn chi phí sản xuất. Nếu như các đối thủ ở thị trường FPT hướng đến như Mỹ, EU, Nhật Bản, Singapore,.. phải trả khoản lớn cho chi phí nguồn lực thì FPT lại giảm thiểu được chi phí này. Lý do là bởi chi phí nhân sự IT ở Việt nam đang rẻ hơn nhiều so với nhân sự ở những nước này.

Chiến lược khác biệt hóa sản phẩm

Mục tiêu của chiến lược này là doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua việc cung ứng những sản phẩm khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Khác biệt ở đây là một cái gì độc đáo đủ để hấp dẫn khách hàng khiến họ không còn quá quan tâm về mức giá nữa mà sẵn sàng chi trả giá cao để sở hữu được sản phẩm. Để tạo được lợi thế khác biệt này, doanh nghiệp phải tập trung phát triển nguồn lực, có tư duy độc đáo để đưa ra những ý tưởng và sáng kiến mới. Ví dụ trong những năm 2010 -2012 thị trường Trà sữa tưởng chừng như vào giai đoạn tháo trào, khi các tên tuổi lâu năm như Hoa Hướng Dương, âm 18 độ C với phân khúc trung bình dành cho học sinh sinh viên không thu hút được nhiều KH như trước thì đến 2012, Phúc Long đã phá đảo thị trường trà sữa bằng cách ra mắt thương hiệu này tại những vị trí đẹp đắc địa, sản phẩm trà sữa đậm vị trà cùng một loạt sản phẩm thức uống hương vị khác biệt, đánh vào phân khúc trung cao cấp đã được nhiều người tiêu dùng ưa thích, không chỉ giới trẻ mà ngay cả giới văn phòng, kinh doanh cũng trở nên yêu thích thương hiệu này. Nhờ cách kinh doanh Trà Sữa mới mẻ này Phúc Long đã giúp trào lưu trà sữa quay lại, khai phá thị trường tiềm năng và giúp các thương hiệu trà sữa đình đám của Đài Loan thâm nhập vào thị trường  trà sữa VN. Đến nay tuy có rất nhiều thương hiệu trà sữa ra đời, cũng có những thương hiệu biến mất khỏi bản đồ thức uống nhưng Phúc Long vẫn chiếm giữ được vị trí và thị phần vững chắc trong ngành. Năm 2021 Phúc Long hợp tác chiến lược với Masan đã khẳng định cho việc sản phẩm khác biết có thể giúp DN sống tốt dù kinh doanh trong ngành hàng đang bão hòa thoái trào hay ngành mà khẩu vị người tiêu dùng thường xuyên thay đổi.

Chiến lược tập trung

Chiến lược này tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách tập trung vào thị trường ngách thông qua các yếu tố như địa lý, đối tượng khách hàng hay sản phẩm đặc thù. Ví dụ về trường hợp này là công ty cổ phần đường Quảng Ngãi. Doanh nghiệp này từng có ý định lấn sân sang ngành sữa từ năm 1997 với sự thành lập Vinasoy. Ban đầu mặt hàng chủ lực của nhà máy là sữa chua và sữa tiệt trùng, tuy nhiên việc kinh doanh các dòng sản phẩm này lại không mấy hiệu quả trong khi sữa Fami lại tăng trưởng tốt. Lúc này, doanh nghiệp quyết định chuyển hướng chiến lược sang kinh doanh sữa đậu nành lúc bấy giờ bị thị trường bỏ ngỏ. Chiến lược đúng đắn này đã giúp doanh nghiệp chiếm được thị phần lớn trong mảng sửa đậu nành. Thị phần của công ty luôn đạt trên 80% trong nhiều năm, thậm chí đạt 86% trong năm 2020. Doanh nghiệp cũng đang có kết quả kinh doanh vô cùng triển vọng trong năm 2021 khi 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của công ty đạt 3670 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 521 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,9% và 19,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Vậy có những loại lợi thế cạnh tranh nào?

Về mặt lý thuyết, có rất nhiều loại lợi thế cạnh tranh mà bạn có thể tìm thấy. Tuy nhiên trong video này, YSedu muốn đề cập đến các loại lợi thế cạnh tranh dựa trên góc nhìn chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Chuỗi giá trị là 1 khái niệm trong quản lý kinh doanh được nhắc đến lần đầu tiên bởi Michael Potter. Theo ông, chuỗi giá trị là tập hợp các hoạt động mà doanh nghiệp thực hiện để tạo ra giá trị cho khách hàng. Tựu chung lại, chuỗi giá trị của doanh nghiệp bao gồm 3 công đoạn chính, đó là: Đầu vào, Sản xuất và Đầu ra. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các loại lợi thế mà doanh nghiệp nên có ở mỗi công đoạn này nhé.

Ở giai đoạn đầu vào, doanh nghiệp có những loại lợi thế sau đây:

Lợi thế về khả năng tự chủ nguyên liệu

Hoàn thiện chuỗi doanh nghiệp khép kín và tự chủ nguyên vật liệu đầu vào là cách thức hoạt động kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp hướng đến, đặc biệt với những doanh nghiệp hoạt động trong nhóm ngành có giá nguyên vật liệu biến động mạnh. Việc tự chủ nguyên vật liệu đầu vào không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh mà còn giữ được giá thành sản phẩm ổn định để cạnh tranh và tối đa hóa được biên lãi nếu giá nguyên vật liệu ngoài thị trường có xu hướng tăng. Trong ngành thủy sản, công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đã tự chủ đến hơn 600ha vùng nuôi  tương đương 70% vùng nguyên liệu và hơn 80% diện tích vùng nuôi của VHC đã nhận được chứng nhận quốc tế (ASC, BAP hoặc GlobalG.A.P) điều này giúp VHC có lợi thế khi XK vào thị trường Mỹ, Châu  u..

Lợi thế từ nhà cung cấp

Lợi thế này có được do có mối quan hệ đặc biệt với phía nhà cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp. Theo đó, công ty sẽ được hưởng mức giá ưu đãi từ nhà cung cấp khi nhập nguyên liệu đầu vào, hoặc sẽ có đặc quyền là chỉ có công ty mới được cung cấp loại nguyên vật liệu từ nhà cung cấp. Chẳng hạn như ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội. Với mối quan hệ với các doanh nghiệp như Viettel, Tân cảng Sài Gòn, tổng công ty trực thăng Việt Nam, MBB có thể huy động được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn từ những doanh nghiệp trên. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các đối thủ khác và giúp MBB trở thành ngân hàng có tỷ lệ CASA thuộc top cao trong ngành.

Ở công đoạn sản xuất, doanh nghiệp sẽ có những loại lợi thế như sau:

Lợi thế về bí quyết

Một doanh nghiệp sở hữu bí quyết sản xuất riêng hay các phát minh được bảo hộ chắc chắn sẽ là 1 đối thủ đáng gờm trong ngành mà doanh nghiệp hoạt động. Nệm kim đan là thương hiệu sở hữu công nghệ đặc biệt giúp nệm của thương hiệu này có tính kháng khuẩn, kháng mốc, chống côn trùng, kháng cháy và được Mỹ công nhận là sản phẩm kháng cháy cao, độ bền cơ học cao. Thương hiệu cũng đã thành công khi thực hiện thí nghiệm cho xe lu nặng 10 tấn cán 200 lần qua nhưng sản phầm này vẫn không hề suy suyển. Với tuổi tho trung bình 25 năm cho 1 sản phẩm thì chúng ta có thể thấy đồ bền lớn mà các thương hiệu khác khó mà đáp ứng nổi.  Đó chính là lý do vì sao năm 2015 Kim Đan đã được đấu giá thành công với mức giá 1.072.000 đồng/cp . Mức giá

Lợi thế về quy mô

Những doanh nghiệp có quy mô lớn có khả năng sản xuất với chi phí bình quân cho mỗi sản phẩm ở mức thấp hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. Những chi phí này bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận hành nhà máy,..Như trường hợp của công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động. Với quy mô được mở rộng như hiện tại, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình logistics và giao hàng cho khách sớm hơn, từ đó đem đến cho khách hàng ấn tượng tốt về dịch vụ. Bên cạnh đó, lợi thế quy mô cũng giúp Thế giới di động dễ dàng áp dụng các công nghệ quản lý hàng tồn kho tốt hơn, từ đó giảm thiểu được chi phí vận hành, ngoài ra lợi thế quy mô cũng giúp MWG có lợi thế thương mại dễ dàng đàm phán về giá với nhà cung cấp, dễ đưa ra các chương trình khuyến mãi để thu hút KH hơn.

Lợi thế về công nghệ

Công nghệ hiện đại góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu suất, bởi vậy doanh nghiệp ngày càng chú trọng đầu tư vào công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh. Năm 2014 khi VCS được ký kết hợp đồng công nghệ sản xuất đá thạch anh nhân tạo  độc quyền với Breton, đây là công nghệ tiên tiến và mới nhất lúc bấy giờ. Sản phẩm đá thạch anh nhân tạo đã đáp ứng được xu hướng của thị trường bởi đặc tính kỹ thuật và tính thẩm mỹ cao. Nhờ lợi thế độc quyền công nghệ đã giúp VCS đạt mức tăng 58 lần trong 4 năm từ năm 2014 – 2018

Ở khâu cuối cùng trong chuỗi giá trị là đầu ra, những loại lợi thế có thể kể đến như:

Lợi thế về thương hiệu

Đa phần khách hàng không mua sản phẩm, họ mua thương hiệu. Giữa những sản phẩm có đặc tính giống nhau, khách hàng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu quen thuộc. Đặc biệt với các mặt hàng cao cấp, yếu tố thương hiệu khiến khách hàng tin tưởng và sẵn sàng trả mức giá cao để sở hữu sản phẩm. Một ví dụ điển hình là thương hiệu Rolex. Có rất nhiều hãng đồng hồ khác nhái mẫu mã của Rolex và đem đến tính năng y hệt với mức giá rẻ hơn nhưng vẫn không thể thu hút được khách hàng, trong khi Rolex lại có thể dễ dàng bán được 1 chiếc đồng hồ hàng chục nghìn USD. Điều đó có được là nhờ doanh nghiệp này đã xây dựng thương hiệu rất thành công.

Lợi thế về hệ thống phân phối

Doanh nghiệp có hệ thống phân phối trải dài và rộng khắp sẽ giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, từ đó giúp gia tăng thị phần của doanh nghiệp. Vinamilk là 1 ví dụ tiêu biểu. Không chỉ dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng nhanh, Vinamilk còn là thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất ở cả khu vực thành thị và nông thôn, nhất là ở khu vực thành thị có đến hơn 90% người tiêu dùng chọn mua sản phẩm thương hiệu này. Không chỉ được yêu thích ở trong nước mà ở nước ngoài, các sản phẩm của Vinamilk cũng được đánh giá cao. Doanh nghiệp có được thành công như vậy chính là nhờ hệ thống phân phối phủ sóng rộng khắp cả nước. Hiện doanh nghiệp sở hữu chuỗi 430 cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt” và gần 250 nghìn điểm bán lẻ . Còn ở thị trường nước ngoài, Vinamilk đã có mặt tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này giúp các sản phẩm của Vinamilk đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Những lưu ý khi đánh giá doanh nghiệp dựa vào lợi thế cạnh tranh

Lợi thế cạnh tranh tốt nhất là lợi thế cạnh tranh bền vững

Nhà đầu tư nên lựa chọn những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững để đầu tư, bởi bản chất kinh doanh là một cuộc chạy đua không ngừng. Khi có 1 doanh nghiệp ở vị thế dẫn đầu trong một ngành nghề nào đó, đó cũng là lúc hàng loạt các công ty khác cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh, làm việc ngày đêm với mục tiêu phá vỡ vị thế đó. Vì vậy mà có lợi thế cạnh tranh là chưa đủ, bước tiếp theo mà doanh nghiệp cần tính đến chính là làm thế nào để thống lĩnh được thị trường trong một thời gian dài và biến được lợi thế mà mình đang có thành lợi thế bền vững để doanh nghiệp có thể đứng vững trước mọi sóng gió. Đặc điểm chung của lợi thế bền vững là tính độc nhất vô nhị, rất khó để bắt chước hay sao chép. Bởi vậy mà để đạt được lợi thế bền vững, cách phổ biến nhất là sử dụng khuôn khổ pháp lý, đăng ký bản quyền cho phát minh. Tuy nhiên, đây không phải là cách duy nhất. Với Coca, Cola, lợi thế bền vững nằm ở công thức pha chế được bảo mật vô cùng nghiêm ngặt. Hay như trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô, Toyota đã chiếm lĩnh thị trường nhờ vào sự phức tạp của hệ thống máy móc mà không một nhà sản xuất nào có thể bắt chước.

Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh là doanh nghiệp có ROE, ROA cao hơn các doanh nghiệp khác trong ngành

ROE, ROA là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và tài sản. Đây là 2 chỉ số quan trọng để đo lường khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Nếu 1 doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh thì 2 chỉ số này sẽ vượt trội hơn so với những doanh nghiệp khác trong ngành. Một ví dụ điển hình là trường hợp của công ty cổ phần sữa Việt Nam. Lợi thế cạnh tranh về thương hiệu giúp cho Vinamilk duy trì được chỉ số ROE, ROA ở mức cao trong nhiều năm so với các đối thủ khác. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bởi vậy mà rất nhiều nhà đầu tư muốn sở hữu cổ phiếu này vì nó mang lại lợi nhuận ổn định.

Sử dụng biên lợi nhuận ròng để đánh giá lợi thế cạnh tranh

Biên lợi nhuận ròng là tỷ lệ phần trăm lợi nhuận sau thuế mà công ty thu được từ mỗi đồng doanh thu. Những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững sẽ có biên lợi nhuận cao hơn mức trung bình ngành trong thời gian dài. Lưu ý, với những doanh nghiệp cùng ngành nhưng có chính sách về thuế khác nhau, bạn có thể so sánh biên lợi nhuận trước thuế.

KẾT LUẬN: Đánh giá lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là 1 việc cần thiết trước khi mua bất kỳ 1 cổ phiếu nào, bởi nó sẽ đưa doanh nghiệp ngày càng tiến xa hơn. Hy vọng những chia sẻ vừa rồi sẽ giúp bạn hiểu rõ lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trước khi đầu tư để có lợi nhuận vượt trội trong dài hạn.

Nếu thấy video hữu ích, đừng quên nhấn nút like & subcribe kênh youtube của Yuanta Việt Nam để luôn cập nhật nhanh nhất kinh nghiệm đầu tư chứng khoán nhé. Cảm ơn đã theo dõi video. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong các video tiếp theo.