Trang chủ Kinh nghiệm Đầu Tư #18 – KINH TẾ VĨ MÔ TÁC ĐỘNG ĐẾN GIÁ CỔ PHIẾU NHƯ THẾ NÀO?

24/05/2022 - 03:59

#18 – KINH TẾ VĨ MÔ TÁC ĐỘNG ĐẾN GIÁ CỔ PHIẾU NHƯ THẾ NÀO?

Khi tham gia vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thường dành sự quan tâm tới những câu chuyện xoay quanh thị trường và cổ phiếu mình đang nắm giữ. Tuy nhiên bạn đã bao giờ chú ý đến bức tranh toàn cảnh kinh tế vĩ mô hay chưa? Nếu chưa thì đó quả là sự thiếu sót lớn bởi đây là yếu tố sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến lợi nhuận đầu tư. Việc nắm được diễn biến kinh tế vĩ mô sẽ giúp bạn xây dựng được chiến lược đầu tư phù hợp hơn. Vậy những yếu tố kinh tế vĩ mô nào sẽ tác động đến giá cổ phiếu, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!

  1. Lạm phát

Lạm phát là thuật ngữ dùng để chỉ mức giá của hàng hóa và dịch vụ tăng lên theo thời gian so với một thời kỳ được xác định cụ thể trước đó. Lạm phát được đo lường thông qua chỉ số CPI. Có một số nguyên nhân chính gây ra lạm phát, đầu tiên đó là do cầu kéo. Khi nhu cầu thị trường về một mặt hàng nào đó tăng lên sẽ khiến giá cả của mặt hàng đó tăng theo. Chẳng hạn dịp giáp Tết, nhu cầu về thịt heo tăng cao, điều này sẽ đẩy giá thịt heo lên cao hơn thường ngày, kéo theo giá cả các mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng lên và xảy ra tình trạng lạm phát. 

Nguyên nhân thứ 2 chính là do chi phí đẩy. Chi phí đẩy của các doanh nghiệp bao gồm tiền lương, giá cả nguyên liệu đầu vào, máy móc,… Khi giá của một hoặc một vài yếu tố này tăng lên thì tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng và hệ quả là mức giá chung của toàn thể nền kinh tế tăng. Ví dụ điển hình về nguyên nhân lạm phát do chi phí đẩy chính là giá xăng dầu. Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của rất nhiều doanh nghiệp của các ngành nghề nên khí giá xăng tăng, giá thành phẩm của các doanh nghiệp này cũng tăng theo. Khi lạm phát cao, giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh hơn khiến sức mua tiêu dùng giảm và doanh số bán hàng của công ty giảm. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu. Nhìn vào thị trường chứng khoán những năm qua, có thể thấy rằng khi lạm phát tăng nhưng không đến mức quá cao kết hợp với việc thắt chặt chính sách tiền tệ thì thị trường chứng khoán sẽ đi ngang. Nếu lạm phát tăng vượt tầm kiểm soát cộng với việc thắt chặt tiền tệ sẽ khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh. Nếu lạm phát giảm cộng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa thì thị trường chứng khoán sẽ bật tăng trở lại.

  1. Tăng trưởng GDP

GDP là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong 1 phạm vi lãnh thổ và 1 thời kỳ nhất định. Như vậy, GDP phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế của 1 quốc gia. GDP tăng chứng tỏ nền kinh tế đang khỏe mạnh và phát triển nhanh, lúc này các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá và đạt được tăng trưởng như kỳ vọng. Ngược lại, GDP giảm thể hiện sự suy thoái kinh tế, lúc này người dân sẽ có thu nhập thấp dẫn đến hạn chế chi tiêu mua sắm. Điều này sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp giảm kéo theo sức hấp dẫn của cổ phiếu cũng sẽ giảm. Một ví dụ tiêu biểu về ảnh hưởng của GDP đến thị trường chứng khoán là giai đoạn 2006-2007, khi Việt Nam có GDP tăng trưởng ở mức cao thì thị trường chứng khoán cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ. Giai đoạn 2008-2009, thị trường chứng khoán lao dốc do GDP thời điểm này thấp kỷ lục.

  1. Chính sách tài khóa

Chính sách tài khóa là việc sử dụng chi tiêu của chính phủ và thu ngân sách để tác động đến nền kinh tế. Với điều kiện bình thường, chính sách tài khóa được sử dụng để tác động tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tại thời điểm nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, nó sẽ là công cụ hữu ích để đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng. Có 2 loại chính sách tài khóa, đó là chính sách tài khóa thắt chặt và chính sách tài khóa mở rộng. Chính sách tài khóa mở rộng là khi chính phủ tăng chi tiêu và giảm thuế. Điều này sẽ giúp thu nhập quốc dân tăng, mở rộng việc làm và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Với chính sách tài khóa mở rộng thì tất cả các thành phần kinh tế sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế, đặc biệt là những nhóm ngành như bất động sản, vật liệu xây dựng. Còn chính sách tài khóa thắt chặt là khi Chính phủ giảm chi tiêu công và tăng thuế để kiềm chế lạm phát, lúc này các ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên chính là vật liệu xây dựng, bất động sản. Chính sách tài khóa có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán. Năm 2007, chi tiêu đầu tư công tăng mạnh dẫn đến sự tăng vọt của thị trường chứng khoán. Năm 2008, mức tăng trưởng chi tiêu đầu tư công giảm chỉ còn 5% so với năm trước, thị trường chứng khoán cũng giảm sâu.

  1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài

Đầu tư trực tiếp nước ngoài, hay còn gọi là FDI là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở kinh doanh, sản xuất. Tại sao FDI tác động đến thị trường chứng khoán? Để tôi lấy một ví dụ minh họa để bạn hiểu hơn. Vào tháng 6 năm 2018, giá cổ phiếu của công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đã tăng khoảng 2.5 lần trong hơn 6 tháng. Nguyên nhân nào doanh nghiệp có sự tăng trưởng thần tốc này là do chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang căng thẳng khiến các doanh nghiệp của Mỹ tại Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, họ phải dịch chuyển đến nơi có tình hình chính trị ổn định hơn và Việt Nam là sự lựa chọn tối ưu. Điều này đã tạo làn sóng tăng trưởng cho nhóm cổ phiếu khu công nghiệp.

  1. Cung tiền

Cung tiền là khái niệm dùng để chỉ lượng cung cấp tiền tệ trong nền kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản của các cá nhân và doanh nghiệp. Thông qua cung ứng tiền tệ mà quan hệ cung – cầu vốn trên thị trường sẽ được điều tiết. Khi lượng tiền đưa vào lưu thông nhiều hơn thì lãi suất cho vay cũng như lãi suất tái chiết khấu sẽ giảm. Việc này sẽ khiến gia tăng nhu cầu tìm kiếm các tài sản tài chính đầu tư khác hiệu quả hơn. Mặt khác, khi lãi suất cho vay giảm xuống sẽ kéo theo lãi suất chiết khấu của tài sản tài chính giảm làm giá tài sản tài chính tăng, nên lúc này tài sản tài chính lại trở nên hấp dẫn. Ngược lại, khi chính sách tiền tệ thắt chặt thì lãi suất sẽ cao do lượng tiền lưu thông giảm xuống. Điều này sẽ khiến lượng vốn đầu tư vào thị trường CK giảm và hệ lụy tất yếu là giá cổ phiếu sẽ giảm theo.

  1. Lãi suất

Lãi suất là tỷ lệ phần trăm trên nguồn vốn ban đầu hay cái giá hay chi phí mà bạn phải trả để đổi lại quyền được sử dụng nguồn vốn đó trong 1 khoảng thời gian. Lãi suất là một trong những tác nhân chính ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Khi lãi suất giảm, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc huy động vốn để thực hiện các dự án đầu tư, từ đó hoạt động kinh doanh của công ty sẽ thuận lợi và mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp và kéo theo cổ phiếu tăng giá. Ngược lại, khi lãi suất tăng, các công ty sẽ hạn chế vay hơn dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa lợi nhuận thu về sẽ ít hơn và giá cổ phiếu sẽ giảm.

Việc có nền tảng kiến thức về kinh tế vĩ mô là lợi thế lớn bởi nó sẽ giúp bạn quản lý danh mục tốt hơn. Vì thế trước khi đầu tư, nhà đầu tư cần tìm hiểu và đánh giá thật kỹ những yếu tố kinh tế vĩ mô hiện tại để gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro hiệu quả. Chúc bạn sẽ đầu tư thành công với những chia sẻ trong video hôm nay.