25/05/2022 - 07:17
MWG – GIẤC MƠ TRỞ THÀNH NHÀ BÁN LẺ HÀNG ĐẦU ĐÔNG NAM Á
Ngày 15/3/2022, Công ty cổ phần đầu tư thế giới di động (HOSE: MWG) công bố hợp tác chiến lược với Tập đoàn Erajaya để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronik (Era Blue). Mục tiêu của liên doanh là phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia và niêm yết công ty này trong 5 năm tới. Bước đầu thực hiện giấc mơ trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Đông Nam Á cho đến năm 2030.
Điểm nhấn đầu tư
Topzone của Thế giới di động trở thành chuỗi cửa hàng chuyên phân phối sản phẩm Apple chính hãng có mạng lưới, với số lượng lên đến con số 29 cửa hàng tính đến hết quý 1 năm 2022.
Mô hình Supermini là động lực tăng trưởng chính cho Điện máy xanh với số lượng vượt trội lên đến 874 cửa hàng và có thể thâm nhập ở nhiều vùng miền, vùng sâu vùng xa khắp các địa phương do có lợi thế về diện tích nhỏ của mô hình và chi phí đầu tư thấp. Doanh thu Điện máy xanh Supermini đạt gấp đôi so với quý 1/2021 vượt mức 2.700 tỷ đồng.
Với kết quả bước đầu khả quan, AVAKids được chọn thử nghiệm giai đoạn 2 với quy mô 30-50 cửa hàng.
Về chuỗi nhà thuốc An Khang, đạt cột mốc 211 nhà thuốc tính đến hết quý 1 năm 2022.
Tháng 03/2022 MWG liên doanh với Tập đoàn Erajaya để phát triển chuỗi cửa hàng Era Blue với tầm nhìn thống lĩnh thị trường bán lẻ điện máy tại Indonesia và niêm yết công ty này trong 5 năm tới.
Tháng 4/2022, Bách hóa xanh đã ký kết hợp tác cùng C.P. Việt Nam để cung cấp các sản phẩm thịt an toàn, có nguồn gốc, độ tươi ngon được bảo đảm với giá bán cạnh tranh.
Tổng quan ngành
Theo số liệu của Tổng cục Thống Kê, dân số Việt Nam năm 2021 đạt hơn 98,5 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm 37,1% tổng dân số, tiếp tục xu hướng tăng do sự di chuyển từ nông thôn ra thành thị. Trong giai đoạn 2016 – 2020, thu nhập bình quân đầu người cũng ghi nhận tăng trưởng bình quân mỗi năm hơn 8%. Tỷ lệ đô thị hóa và thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới là động lực gia tăng giá trị thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Tỷ lệ hộ gia đình sở hữu các sản phẩm điện máy vẫn còn tiềm năng tiếp tục tăng trưởng. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện máy hiện đại với nhiều tính năng tiện lợi, tiết kiệm sức lao động và thời gian của người sử dụng có xu hướng ngày càng tăng cao giúp kích thích nhu cầu thay thế sản phẩm.
Có sự dịch chuyển trong xu hướng mua sắm thực phẩm và FMCGs từ kênh chợ truyền thống sang kênh bán lẻ hiện đại ngày càng rõ rệt. Theo Euromonitor, thị phần thị trường bán lẻ truyền thống năm 2021 giảm còn 88,6% so với 90% trong năm 2020. Tổng số lượng điểm bán kênh bán lẻ hiện đại là hơn 6.700 điểm bán, chỉ bằng 1% so với tổng số điểm bán kênh bán lẻ truyền thống. Đây là cơ sở để kỳ vọng các doanh nghiệp mô hình bán lẻ hiện đại sớm gia nhập thị trường như Bách Hóa Xanh có thể tiếp tục gia tăng thị phần trong thời gian tới.
Tổng quan doanh nghiệp
Lĩnh vực kinh doanh chính
Lĩnh vực hoạt động chủ yếu hiện tại của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động là mua bán, bảo hành, sửa chữa: thiết bị tin học, điện thoại, linh kiện và phụ kiện điện thoại với thương hiệu Thế Giới Di Động, các mặt hàng điện máy với thương hiệu Điện Máy Xanh và các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống và các hàng hóa khác với thương hiệu Bách Hóa Xanh
MWG hiện đang vận hành các chuỗi bán lẻ chính bao gồm: thegioididong.com, Điện Máy Xanh (dienmayxanh.com), Bách Hoá Xanh (bachhoaxanh.com), Bluetronics, An Khang,…
Thế giới di động
Thành lập năm 2004, từ mô hình Thương mại điện tử sơ khai với một website giới thiệu thông tin sản phẩm, đến nay Thế Giới Di Động đã phát triển thành hệ thống siêu thị rộng khắp và trở thành nhà bán lẻ điện thoại số 1 Việt Nam.
Điện máy xanh
Tháng 5/2015, dienmay.com được thành lập năm 2010 chính thức được đổi tên thành Siêu thị Điện Máy Xanh. Mỗi siêu thị có diện tích từ 500 -1.000 m2, kinh doanh chủ yếu các sản phẩm điện gia dụng và kỹ thuật số.
Bách hóa xanh
Cửa hàng Bách Hóa Xanh đầu tiên chính thức có mặt trên thị trường vào cuối năm 2015, tập trung kinh doanh rau củ quả, hàng tươi sống và FMCGs
Bách Hóa Xanh tập trung tại TP.HCM và 24 tỉnh thành thuộc khu vực Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ.
Bluetronics
Trong tháng 12/2019, cửa hàng điện máy đầu tiên Bigphone+ đã được ra mắt tại Campuchia và cũng được đổi tên thành Bluetronics sau đó.
Chuỗi nhà thuốc An Khang
Chuỗi nhà thuốc An Khang tiền thân là chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang được MWG mua lại 49% từ năm 2018.
An Khang hiện diện tại 25 tỉnh thành khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. MWG cũng đã hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu tại An Khang lên 99,99%.
Vị thế doanh nghiệp
Nhà bán lẻ số 1 Việt Nam và là công ty Việt Nam duy nhất lọt vào Top 100 nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương. Tính đến thời điểm cuối tháng 03 năm 2022 tổng số cửa hàng mà MWG đang sở hữu và vận hành lên đến hơn 5497 cửa hàng.
Hoạt động kinh doanh
Doanh thu và lợi nhuận
Doanh thu thuần hợp nhất năm 2021 của MWG đạt 122.958 tỷ đồng tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó doanh thu online đạt 14.370 tỷ đồng tăng 53% so với năm 2020 và là công ty có doanh số bán lẻ trực tuyến lớn nhất tại thị trường Việt Nam.
Lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 4.901 tỷ đồng tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 103% so với kế hoạch cả năm.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 là 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 6.350 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 14% và 30% so với kết quả thực hiện năm 2021.
Doanh thu thuần 3 tháng đầu năm 2022 đạt 36.437 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 26% kế hoạch năm 2022. Trong đó doanh thu online của công ty đạt 5.935 tỷ đồng, tăng 138% so với cùng kỳ và chiếm 16% tổng doanh thu của MWG.
Lợi nhuận sau thuế đạt 1.445 tỷ đồng tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 23% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Tính đến cuối tháng 3/2022, MWG vận hành hơn 5.497 cửa hàng, bao gồm 985 cửa hàng TGDĐ, 2.077 cửa hàng ĐMX, 29 cửa hàng Topzone, 2.127 cửa hàng BHX, 211 nhà thuốc An Khang, 44 cửa hàng Bluetronics và 24 cửa hàng AVA độc lập.
Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận
Cơ cấu doanh thu Điện máy xanh và Thế giới di động:
Doanh thu từ chuỗi Điện máy xanh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của MWG ở mức 51%. Cuối năm 2021 doanh thu của Thế giới di động và Điện máy xanh đạt mức 94.742 tỷ đồng đóng góp 77% trong tổng doanh thu của MWG. Trong đó doanh thu từ kinh doanh online năm 2021 đạt 13.405 tỷ đồng tăng 47% so với cùng kỳ năm 2020.
Chuỗi Điện máy xanh supermini có diện tích từ 120 – 150m2 được xem là mô hình thử nghiệm thành công của MWG từ tháng 07 năm 2020, mô hình này đã chạy đến khắp mọi xã phường ở các địa phương trên toàn quốc. Với 874 điểm bán cuối tháng 3/2022, Điện máy xanh supermini đóng góp hơn 2.700 tỷ đồng. Mô hình này đã chứng minh là mô hình kinh doanh hiệu quả giúp MWG tiếp tục gia tăng thị phần ở vùng sâu, vùng xa.
Trong quý 1/2022, Thế giới di động, Điện máy xanh và Topzone ghi nhận hơn 30.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu doanh thu Bách hóa xanh
Doanh thu của chuỗi bách hóa xanh năm 2021 đạt 28.126 tỷ đồng đóng góp 23% tổng doanh thu của MWG. Cụ thể hàng tươi sống, hàng mát và đông lạnh chiếm 45%, thực phẩm và đồ uống chiếm 38% còn lại là hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác.
Các cửa hàng của Bách hóa xanh có doanh thu trung bình mỗi tháng trên một cửa hàng khoảng 1,2 tỷ đồng và số lượng đơn đặt hàng online năm 2021 khoảng 2,7 triệu đơn.
Trong 3 tháng đầu năm 2022 doanh thu Bách hóa xanh đạt 6.040 tăng 2% so với cùng kỳ và tăng 8% so với quý 4 năm 2021. Tháng 4/2022, BHX đã ký kết hợp tác cùng C.P. Việt Nam để cung cấp các sản phẩm thịt an toàn, có nguồn gốc, độ tươi ngon bảo đảm với giá bán cạnh tranh.
Bách hóa xanh với tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu doanh thu của MWG được xem là động lực tăng trưởng trong dài hạn khi thị trường điện thoại và điện máy dần bước vào giai đoạn bão hòa. Triển vọng của chuỗi BHX trong dài hạn vẫn được đánh giá tích cực nhờ xu hướng gia tăng của các kênh bán lẻ hiện tại nói chung và lợi thế cạnh tranh so với nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi hay bách hoá khác.
MWG vẫn không ngừng nỗ lực để tìm động lực tăng trưởng mới
+ Tháng 03/2019 thử nghiệm mô hình shop in shop kinh doanh đồng hồ.
+ Tháng 12/ 2019 ra mắt cửa hàng bán lẻ điện máy Bluetronics.
+ Từ tháng 07/2020 triển khai và thử nghiệm mô hình Điện máy xanh Supermini.
+ Tháng 05/2021 thử nghiệm kinh doanh xe đạp.
+ Tháng 10/2021 Ra mắt chuỗi cửa hàng ủy quyền cao cấp chuyên bán sản phẩm Apple – Topzone.
+ Tháng 01/2022 Thử nghiệm cửa hàng kinh doanh độc lập đồ thể thao AVASports, sản phẩm cho mẹ và bé AVAKids, thời trang AVAFashion. Triển khai shop in shop kinh doanh trang sức AVAJi và xe đạp AVACycle.
Sức khỏe tài chính
Cơ cấu tài sản, nguồn vốn
Tổng tài sản của công ty tại thời điểm 31/12/2021 là 62.971 tỷ đồng, tăng 16.941 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 51.955 tỷ đồng chiếm 82,51% tổng tài sản, tài sản ngắn hạn tăng 39,23% so với cùng kỳ chủ yếu do tăng lượng hàng tồn kho 9.745 tỷ đồng và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 6.179 tỷ đồng. Hàng tồn kho chủ yếu là thiết bị điện tử, điện thoại di động và thiết bị gia dụng phù hợp với hoạt động kinh doanh của công ty. Đầu tư tài chính ngắn hạn cụ thể là khoản tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm để hưởng lãi.
Về nguồn vốn của công ty, nợ phải trả chiếm 42.593 tỷ đồng tương ứng với 67,64% tổng nguồn vốn. Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ ngắn hạn tăng chủ yếu do phải trả người bán tăng 3.451 tỷ đồng và vay ngắn hạn tăng 9.022 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn đến từ các nhà cung cấp cho MWG như Samsung, Apple, Sony, Electronics,… còn các khoản vay ngắn hạn tăng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu vốn lưu động của công ty khi quy mô không ngừng mở rộng.
Khả năng thanh toán
Chỉ số khả năng thanh toán ngắn hạn của công ty luôn lớn hơn 1,1 lần và chỉ số khả năng thanh toán nhanh có sự cải thiện tốt từ những năm 2020, 2021 duy trì ở mức trên 0.5 lần thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp tốt, đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và đảm bảo nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp.
Rủi ro đầu tư
Thị trường điện thoại thông minh và điện máy tại Việt Nam đã bước qua giai đoạn tăng trưởng nhanh và dần bước vào giai đoạn bão hòa tạo áp lực trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số hàng năm của công ty, đặc biệt trong bối cảnh thị phần điện thoại, điện máy của MWG đã ở mức cao.
Hiện tại đối thủ cạnh tranh chính của MWG trong mảng bán lẻ điện thoại di động là chuỗi FPT Shop và Viettel Store. Ngoài ra còn có các chuỗi bán lẻ điện thoại nhỏ và các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ khác mà điển hình là CellphoneS cũng dần tạo ra sự cạnh tranh đáng kể. Đồng thời cũng có rủi ro gia tăng khi các tập đoàn bán lẻ trong khu vực có thể thâm nhập thị trường.
Với Công ty bán lẻ quy mô như MWG, việc kiểm soát tồn kho rất quan trọng trong quá trình vận hành, hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các sản phẩm điện tử khi chúng có vòng đời khá thấp và luôn cạnh tranh liên tục giữa các nhà sản xuất để nên sản phẩm sẽ dễ lỗi thời.
—————————————————————————————————————-
Lưu ý: Đây là những thông tin liên quan đến doanh nghiệp đã được YSVN thu thập, phân tích dựa trên các nguồn đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể tham khảo để hiểu về ngành nghề và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, nội dung không mang ý nghĩa khuyến nghị đầu tư. YSVN không chịu trách nhiệm về tính chính xác và miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng thông tin trên đây đến kết quả đầu tư. Để nhận được khuyến nghị đầu tư cụ thể vui lòng mở tài khoản để được các chuyên viên tư vấn của Yuanta Việt Nam hướng dẫn giao dịch cụ thể với từng vị thế của khách hàng.
—————————————————————————————————————-
Bùi Thị Loan – Trưởng phòng học viện phát triển năng lực đầu tư
Email: loan.bui@yuanta.com.vn
Nguyễn Trung Hiếu – Chuyên viên học viện phát triển năng lực đầu tư
Email: hieu.nguyen1@yuanta.com.vn