30/05/2022 - 08:37

KBC ĐÓN ĐẦU LÀN SÓNG FDI

KBC ĐÓN ĐẦU LÀN SÓNG FDI

Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC) luôn được xem là lựa chọn đầu tiên của các công ty vệ tinh và kế hoạch mở rộng quy mô của các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam. Đón đầu làn sóng dịch chuyển dòng vốn FDI từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, EU,…

Điểm nhấn đầu tư

Hưởng lợi nhờ dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ bởi làn sóng dịch chuyển các công xưởng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Vị thế là nhà phát triển BĐS Khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam với 22 KCN hiện tại các vị trí chiến lược trên toàn quốc, KBC giữ vị trí hàng đầu trong việc thu hút vốn đầu tư FDI, đặc biệt là các tập đoàn quốc tế lớn như Canon, Foxconn, LG, JA Solar, Goertek, Fuyu, Luxshare, Jufeng,…

KBC có lợi thế cạnh tranh về quỹ đất lớn, hiện đang quản lý 5.215,8 ha đất cho phát triển KCN, chiếm gần 4,22% tổng số diện tích đất KCN của cả nước và 1.177,7 ha đất cho phát triển khu đô thị, dân cư.

Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh – Bắc Ninh hiện về cơ bản đã hoàn thành pháp lý và hạ tầng cần thiết, sẵn sàng ghi nhận diện tích cho thuê lớn trong năm 2022 được xem là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của công ty trong năm nay. KCN Tràng Duệ 3 (Hải Phòng) nhận giấy phép chính thức trong Q1.2022 và dự kiến có thể bắt đầu cho thuê từ 2023.

Kỳ vọng dòng tiền lớn từ mảng bất động sản nhà ở tại KĐT Tràng Cát và Phúc Ninh: Đối với KĐT Tràng Cát doanh nghiệp đã được cấp phép san lấp, việc thi công hạ tầng cơ bản để bàn giao mặt bằng cho khách hàng sẽ được tiến hành khá nhanh chóng và KBC có thể ghi nhận phần lớn doanh thu và dòng tiền ngay trong năm 2022. Đối với KĐT Phúc Ninh có diện tích khả dụng là 44,5 ha, trong đó Công ty đã bán 28,3 ha. 

Dự kiến trong năm 2022 Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện việc thành lập các dự án lớn ở những vị trí chiến lược nhằm đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư về diện tích, địa điểm tại một số tỉnh như Long An, Hưng Yên, Tiền Giang, Hải Dương, Vũng Tàu, trong đó các thủ tục pháp lý đối với các dự án ở Long An, Tiền Giang đang khá thuận lợi.

KBC có kế hoạch lợi nhuận thuần và doanh thu thuần trong năm 2022 khá tham vọng lần lượt đạt 4.500 tỷ (tăng trưởng 4,7 lần) và 9.800 tỷ đồng (tăng trưởng 2,3 lần) so với năm 2021.

Tổng quan ngành

Các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB nhận định khá lạc quan về triển vọng khôi phục và phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022, tốc độ tăng GDP đạt 6,5% – 6,8%. Năm 2022 tiếp tục thực hiện một số FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, trong đó Việt Nam được hưởng ưu đãi cao hơn các đối tác, nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã tích lũy được kinh nghiệm trong thương mại với những đối tác của FTAs thế hệ mới, đã chuẩn bị điều kiện để mở rộng quan hệ song phương trong bối cảnh mới.

Tổng quan công ty

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) được thành lập vào năm 2002 hoạt động trong các lĩnh vực: Cho thuê đất KCN đây là hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty, ngoài ra KBC cũng hoạt động trong lĩnh vực chuyển nhượng đất nhà ở đồng thời kinh doanh dịch vụ quản lý KCN, bán nhà xưởng, cho thuê nhà xưởng,…. 

Qua thời gian, KBC đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng và quản lý khu công nghiệp. Trong 12 năm qua, KBC đã khá thành công trong việc mua lại quỹ đất và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Hiện nay, KBC đang sở hữu một số khu công nghiệp bao gồm cả công ty liên kết với quỹ đất rộng lớn trên toàn quốc, đảm bảo đủ quỹ đất cho các công ty để tiếp tục phát triển trong 10-20 năm tới. 80% khách hàng của KBC là nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, tình hình FDI có tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của công ty. 

Kết quả hoạt động kinh doanh

Nguồn KBC, YSVN tổng hợp

Cuối năm 2021 doanh thu công ty đạt 4.246 tỷ đồng tăng 2.095 tỷ đồng tương ứng với mức tăng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. KBC cũng có kế hoạch lợi nhuận thuần và doanh thu thuần trong năm 2022 khá tham vọng lần lượt đạt 4.500 tỷ (tăng trưởng 4,7 lần) và 9.800 tỷ đồng (tăng trưởng 2,3 lần).

Cơ cấu doanh thu

Nguồn KBC, YSVN tổng hợp

Cơ cấu doanh thu của KBC chủ yếu đến từ hoạt động cho thuê đất chiếm 72% tổng doanh thu và đạt 3.035 tỷ đồng ở năm 2021. Hoạt động chuyển nhượng bất động sản nhà ở có doanh thu 515 tỷ đồng chiếm 12%, phần doanh thu còn lại đến từ bán nhà xưởng chiếm 7% chủ yếu đến từ bán nhà xưởng KCN Quang Châu và 9% doanh thu tương ứng 385 tỷ đồng đến từ hoạt động cho thuê nhà xưởng, cung cấp điện nước và thu phí dịch vụ.

Cơ cấu doanh thu theo khu vực năm 2021

Nguồn KBC, YSVN tổng hợp

KCN Quang Châu là một điểm nhấn trong năm 2021 của Tập đoàn đã cho thuê được 56,6 ha nhờ thu hút hầu hết các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, chiếm 39,5% tổng doanh cả Tập đoàn và đã lấp đầy 96,78% diện tích với quy mô 426 ha. Đồng thời KCN Quang Châu mở rộng có quy mô 90ha đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để đưa vào kinh doanh trong năm 2022

Định hướng kinh doanh trong thời gian tới

Về ngắn hạn KBC vẫn tập trung phát triển lĩnh vực kinh doanh cốt lõi: Tăng tốc đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và khu đô thị (KĐT) bao gồm: KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu mở rộng, KCN Tân Phú Trung, KĐT Phúc Ninh, KĐT Tràng Duệ; KCN Tràng Duệ mở rộng; Cụm công nghiệp Hưng Yên, Cụm công nghiệp Long An; Đại dự án Tràng Cát.

Về trung dài hạn KBC thực hiện chủ trì, triển khai các đề án thành lập một số dự án mới trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Long An, Tiền Giang, Vũng Tàu.  Phát triển các KCN, KĐT tiềm năng tại các khu vực miền Trung và miền Nam đồng thời triển khai các dự án KĐT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội; Mở rộng một số dự án KĐT, KCN trên các địa bàn tiềm năng như Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh,… KBC chú trọng bám sát xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam theo các lĩnh vực, đối tác, địa bàn để lập các dự án mới, phát triển loại hình đầu tư mới.

Cập nhật kết quả kinh doanh quý 1 năm 2022

Đến cuối quý 1 năm 2022  doanh thu công ty ghi nhận 691 tỷ đồng giảm 65% so với cùng kỳ do ghi nhận doanh thu từ hoạt động cho thuê đất và cơ sở hạ tầng  giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trong kỳ KBC ghi nhận khoản thu nhập khác tăng đột biến gần 500 tỷ đồng, cụ thể đây là khoản chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh (lãi từ giao dịch mua rẻ). Nhờ đó, KBC lãi ròng hơn 523 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ. Hiện KBC chỉ mới thực hiện được 7% kế hoạch doanh thu và gần 12% mục tiêu lợi nhuận cả năm. 

Sức khỏe tài chính

Tài sản, nguồn vốn

Nguồn KBC, YSVN tổng hợp

Cuối năm 2021 tổng tài sản của KBC tăng 6.818 tỷ đồng tương ứng tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt mức 30.603 tỷ đồng. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 84% tổng tài sản đạt 25.684 tỷ đồng chủ yếu là hàng tồn kho ở mức 11.515 tỷ đồng (bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng) và phải thu ngắn hạn chiếm 9.345 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn của KBC cuối năm 2021, nợ phải trả chiếm 47%, trong đó tỷ lệ nợ ngắn hạn và nợ dài hạn khá cân đối nhau, nợ ngắn hạn là 6.511 tỷ đồng và nợ dài hạn là 7.921 tỷ đồng.

Khả năng thanh toán

Nguồn KBC, YSVN tổng hợp

Hệ số khả năng thanh toán hiện hành của doanh nghiệp đều lớn hơn 3 và hệ số khả năng thanh toán nhanh cũng lớn hơn 1,4 qua các năm cho thấy khả năng trả nợ của doanh nghiệp tốt, đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và đảm bảo nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp. 

Khả năng sinh lời

Nguồn KBC, YSVN tổng hợp

ROE của doanh nghiệp có sự tăng trưởng trong năm 2021 đạt mức 5,89% tăng gần 3% so với năm 2020, đồng thời ROA cũng được cải thiện đạt mức 3,11% tăng 1,74% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện hiệu quả sử dụng vốn và tài sản trong thời gian tới để tối đa hóa khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Rủi ro đầu tư

Chi phí giải phóng mặt bằng tăng, Chi phí đầu tư tăng cao dẫn đến đơn giá cho thuê cao sẽ khó thu hút các dự án đầu tư đặc thù.

Thủ tục phê duyệt các KCN có quy mô lớn khá lâu có thể mất nhiều năm.

Khó khăn trong thu hút đầu tư khi không có ưu đãi thuế. ngoại trừ KCN Tràng Duệ thuộc khu kinh tế, các KCN của KBC đã nằm trong khu vực kinh tế phát triển, vì vậy không được hưởng chính sách ưu đãi thuế theo luật mới

Rủi ro do thay đổi các chính sách quản lý về hoạt động đầu tư kinh doanh KCN

Rủi ro do thay đổi các chính sách tiền tệ của nhà nước khi tín dụng bị siết chặt thì các doanh nghiệp BĐS sẽ bị siết chặt trước tiên; lãi suất cho vay các doanh nghiệp BĐS sẽ tăng tạo áp lực phi phí lãi vay.

—————————————————————————————————————-

Lưu ý: Đây là những thông tin liên quan đến doanh nghiệp đã được YSVN thu thập, phân tích dựa trên các nguồn đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể tham khảo để hiểu về ngành nghề và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, nội dung không mang ý nghĩa khuyến nghị đầu tư. YSVN không chịu trách nhiệm về tính chính xác và miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng thông tin trên đây đến kết quả đầu tư. Để nhận được khuyến nghị đầu tư cụ thể vui lòng mở tài khoản để được các chuyên viên tư vấn của Yuanta Việt Nam hướng dẫn giao dịch cụ thể với từng vị thế của khách hàng.

—————————————————————————————————————-

Bùi Thị Loan – Trưởng phòng học viện phát triển năng lực đầu tư

Email: loan.bui@yuanta.com.vn

Nguyễn Trung Hiếu – Chuyên viên học viện phát triển năng lực đầu tư

Email: hieu.nguyen1@yuanta.com.vn