Trang chủ Thực hành đầu tư Phân tích Cổ Phiếu VIETINBANK TĂNG TRƯỞNG BÁN LẺ VÀ SME

21/09/2022 - 06:33

VIETINBANK TĂNG TRƯỞNG BÁN LẺ VÀ SME

VIETINBANK TĂNG TRƯỞNG BÁN LẺ VÀ SME

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam – Vietinbank (HOSE: CTG) trước đây chủ yếu tập trung vào mảng bán buôn, tuy nhiên trong giai đoạn gần đây, Vietinbank theo đuổi chiến lược chuyển dịch kênh, tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ và SME, đặc biệt là bán lẻ.

Điểm nhấn doanh nghiệp

Tỷ trọng cho vay bán lẻ và SME tăng ấn tượng trong nửa đầu năm 2022.

Hoạt động bán chéo bảo hiểm là động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi: khi room tín dụng đang bị siết chặt, ngân hàng có nhiều động lực để đẩy mạnh các hoạt động thu phí dịch vụ, đặc biệt là bán chéo bảo hiểm.

NIM còn dư địa cải thiện khi Vietinbank tối ưu hóa danh mục tín dụng, tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ và khách hàng SME đồng thời Vietinbank dừng triển khai các gói hỗ trợ lãi suất và ghi nhận lãi dự thu phục hồi sau thời gian tái cơ cấu.

CTG nằm trong nhóm 15 ngân hàng được Ngân hàng nhà nước nới room tín dụng và được tăng thêm 0,7%, một mức khá khiêm tốn.

Tổng quan ngành

Tăng trưởng GDP Quý II/2022 đạt 7,72 % cao nhất trong 10 năm. Lạm phát 6T2022 được kiểm soát nhưng áp lực gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2022 là rất lớn. Động lực tăng trưởng kinh tế đến từ tiêu dùng cá nhân, xuất khẩu và đầu tư tư nhân.

Lợi nhuận chung của ngành ngân hàng tăng so với cùng kỳ chủ yếu do thu nhập lãi ròng và thu nhập phí ròng tăng, trong khi dự phòng giảm. Lợi nhuận trước thuế các ngân hàng trên sàn Hose tăng trưởng tích cực tăng 37,4% so với cùng kỳ trong quý 2/2022.

Tổng quan về Vietinbank

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) được thành lập từ năm 1988 sau khi tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Vietinbank hướng tới là Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, nằm trong Top 20 ngân hàng mạnh nhất Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; là ngân hàng mạnh và uy tín nhất Việt Nam, hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và uy tín cao trên thế giới.

Vietinbank trước đây chủ yếu tập trung vào mảng bán buôn, tuy nhiên trong giai đoạn gần đây, Vietinbank theo đuổi chiến lược chuyển dịch kênh, tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ và SME, đặc biệt là bán lẻ. Trong 1H2022, tăng trưởng tín dụng nhóm bán lẻ và SME lần lượt đạt 22.4% và 11.7%, cao hơn mức tăng trưởng chung là 9.6%. Tỷ trọng cho vay bán lẻ 2Q2022 đạt 36.1% trên tổng dư nợ, tăng 362 bps YTD. Vietinbank kì vọng cuối năm 2022 tỷ trọng bán lẻ đạt 38-40 % và trong các năm tới mỗi năm tăng tỷ trọng dư nợ bán lẻ 2%-3% cho đến khi đạt mức 50% rồi sẽ đánh giá lại chiến lược. Tăng tỷ trọng dư nợ bán lẻ với mức lãi suất tốt hơn sẽ là động lực chính cho tăng trưởng NIM của Vietinbank trong thời gian tới.

Mạng lưới hoạt động

Vietinbank có hệ thống mạng lưới phát triển mạnh mẽ với 155 chi nhánh, hơn 1.000 phòng giao dịch trên 63 tỉnh/thành phố trong cả nước. VietinBank là ngân hàng Việt Nam đầu tiên và duy nhất có mặt tại châu Âu với 02 chi nhánh tại Frankfurt và Berlin – CHLB Đức. Đồng thời, VietinBank đã có mặt tại Vientiane – Lào và đang tích cực xúc tiến mở các văn phòng đại diện, chi nhánh tại nhiều quốc gia khác như Myanmar, Anh, Ba Lan, Séc…

Vị thế ngân hàng

Vietinbank với tổng tài sản đứng thứ 2 toàn hệ thống ngân hàng đạt 1.691.061.895.000.000 đồng (sau BIDV), vốn điều lệ cũng thứ 2 đạt 48.057.506.000.000 đồng (sau VPB).

Cơ cấu cổ đông

Nguồn CTG, YSVN tổng hợp

Cơ cấu cổ đông của Vietinbank với 64,46% thuộc sở hữu của tập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 19,73% thuộc sở hữu của The Bank of Tokyo-Mitsubishi, còn lại là cổ đông tự do.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank theo mô hình CAMELS

C – Capital adequacy 

Tính tới cuối quý 2 năm 2022, hệ số an toàn vốn (CAR) của VietinBank là 8,52%, trong nhóm ngân hàng có hệ số CAR thấp nhất hệ thống. Đến cuối năm 2022 VietinBank đặt mục tiêu hệ số CAR đạt 8,5-9,0% cao hơn so với tiêu chuẩn Basel II là 8%.

A – Assets

Về chất lượng tài sản Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay trong Quý II/2022 ở mức 1,35%, tăng so với cuối năm 2021, tập trung chủ yếu ở nhóm ngành xây dựng cơ bản, công nghiệp chế biến, chế tạo,… Tỷ lệ bao phủ nợ xấu 6T2022 là 189,7% (tăng 9,4% so với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối năm 2021). VietinBank đã trích lập đủ 100% số dự phòng phải trích lập theo Thông tư 03.

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn tác động tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, áp lực nợ xấu gia tăng được đánh giá là một trong những thách thức lớn của ngành ngân hàng. Nhận định được diễn biến này, VietinBank luôn chủ động phân tích đánh giá thị trường, rà soát danh mục, nhận diện rủi ro, triển khai các giải pháp tăng cường quản lý giám sát, phân luồng thu hồi, xử lý nợ phù hợp. Trong 06 tháng cuối năm 2022, VietinBank sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai tổng hòa các giải pháp để kiểm soát nợ xấu phát sinh, tăng cường thu hồi xử lý nợ nhằm đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8% theo phê duyệt của ĐHĐCĐ.  

M- Management

Cuối quý 2/2022 tiền gửi khách hàng tăng nhẹ (+3,8% ytd); tiền gửi CASA có sự cải thiện so với cuối năm 2021 (số dư CASA đạt 240 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% ytd và chiếm tỷ trọng 19,9%).

Tỷ lệ CIR tại thời điểm 30/06/2022 đạt 27,0%, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng cuối năm 2022, VietinBank tiếp tục kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí hoạt động, ưu tiên chi phí cho các hoạt động trực tiếp phục vụ hoạt động kinh doanh, các hoạt động chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nhân sự để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngân hàng 

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6T2022 là 10,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2021

E – Earnings

Cuối năm 2021 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 27.388 tỷ đồng (tăng trưởng 18,83% so với cùng kỳ năm trước).

Tổng thu nhập hoạt động 6T2022 đạt 30 nghìn tỷ đồng (+11,1% so với 6T2021).

Mặc dù thực hiện các chính sách miễn giảm lãi suất cho vay nhằm đồng hành và hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhờ đẩy mạnh các biện pháp tối ưu và nâng cao hiệu quả cân đối vốn thông qua tăng tỷ trọng cho vay đối với tập khách hàng mang lại hiệu quả sinh lời cao là khách hàng bán lẻ, SME nên NIM của VietinBank tại Quý II/2022 (2,78%) đã có sự cải thiện tốt hơn NIM tại Quý I/2022 (2,62%)

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Tại thời điểm 30/06/2022 lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Vietinbank là 15,05% giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm là 15,88%. Nhưng nhìn chung từ giai đoạn 2018 – 2021 có sự tăng trưởng tích cự do ngân hàng tái cấu trúc và ngày càng hoạt động hiệu quả hơn. 

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

L – Liquidity 

Tỷ lệ LDR cuối quý 2/2022 có dấu hiệu tăng trở lại lên 102,73% so với thời điểm đầu năm là 97,32% do dư nợ cho vay tăng trưởng 9,5% ytd để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh hồi phục sau dịch của cá nhân và doanh nghiệp.

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

S- Sensitivity

Áp lực nợ xấu đến từ việc các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi diễn biến xấu của vĩ mô thế giới, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2/2022 đã tăng lên 1,35%.

Áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng nhà nước trước áp lực lạp phát ngày càng gia tăng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của Vietinbank. Về việc nới room tín dụng, CTG được Ngân hàng nhà nước tăng thêm 0,7%, một mức khá khiêm tốn.

Cập nhật kết quả kinh doanh 6T/2022 của Vietinbank

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 9,7% với quy mô cho vay khách hàng đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng (+9,5% ytd) và quy mô TPDN đạt 12.430 tỷ đồng (+24,6% ytd). Tốc độ tăng trưởng cao ghi nhận ở phân khúc bán lẻ với 22,9% ytd, tiếp đó là nhóm DN vừa và nhỏ (SME) với 12,6% ytd, trong khi nhóm DN lớn ghi nhận giảm 2% ytd.

Tổng thu nhập hoạt động 6T2022 đạt 30 nghìn tỷ đồng (+11,1% so với 6T2021). Trong đó đáng chú ý là thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng mạnh +86,5% so với 6T2021 do VietinBank tiếp tục đa dạng hóa cấu trúc các sản phẩm ngoại hối, khai thác hiệu quả tệp khách hàng dồi dào hiện hữu và đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng mới trên thị trường

Thu nhập lãi thuần (không gồm thu phí bảo lãnh) 6T2022 đạt 21,7 nghìn tỷ đồng (+3,2% so với 6T2021) nhờ việc cải thiện quy mô đi đôi với tái cấu trúc danh mục tín dụng theo hướng nâng cao hiệu quả sinh lời bền vững, tăng trưởng tỷ trọng cho vay các phân khúc bán lẻ và SME. 

Lãi thuần từ hoạt động khác 6T2022 tăng mạnh 90% so với 6T2021 chủ yếu do thu hồi từ các khoản nợ đã xử lý (đạt 2.132 tỷ đồng, tăng 38,7% so vơi 6T2021, chiếm 71%).

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí DPRRTD 6T2022 đạt 21,9 nghìn tỷ đồng (+13,5% so với 6T2021). VietinBank cũng chủ động dành nguồn lực trích lập DPRR theo đúng quy định nhằm gia tăng đệm dự phòng tài chính cho hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới, chi phí DPRRTD ở mức 10,3 nghìn tỷ đồng (+21,9% so với 6T2021). Theo đó, lợi nhuận trước thuế 6T2022 đạt 11,6 nghìn tỷ đồng (+7,0% so với 6T2021) ), mức tăng trưởng khiêm tốn do đà tăng của chi phí huy động và chi phí trích lập dự phòng.

—————————————————————————————————————-

Lưu ý: Đây là những thông tin liên quan đến doanh nghiệp đã được YSVN thu thập, phân tích dựa trên các nguồn đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể tham khảo để hiểu về ngành nghề và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, nội dung không mang ý nghĩa khuyến nghị đầu tư. YSVN không chịu trách nhiệm về tính chính xác và miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng thông tin trên đây đến kết quả đầu tư. Để nhận được khuyến nghị đầu tư cụ thể vui lòng mở tài khoản để được các chuyên viên tư vấn của Yuanta Việt Nam hướng dẫn giao dịch cụ thể với từng vị thế của khách hàng.

—————————————————————————————————————-

Bùi Thị Loan – Trưởng phòng Đào tạo đầu tư

Email: loan.bui@yuanta.com.vn

Nguyễn Trung Hiếu – Chuyên viên Đào tạo đầu tư

Email: hieu.nguyen1@yuanta.com.vn