Trang chủ Thực hành đầu tư Kiến thức Chứng khoán Tự doanh Chứng khoán và Những điều Nhà đầu tư cần biết

10/06/2021 - 07:51

Tự doanh Chứng khoán và Những điều Nhà đầu tư cần biết

Tự doanh Chứng khoán và Những điều Nhà đầu tư cần biết

Trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán đã trở nên phổ biến và nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Trong đó, tự doanh chứng khoán là một nghiệp vụ của công ty chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong các lực lượng tham gia trên thị trường chứng khoán. Vậy bạn đã hiểu rõ bản chất và đặc điểm của nó hay chưa. Sau đây hãy cùng YSedu tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức  nhé!

Tự doanh chứng khoán là gì? Những điều Nhà đầu tư cần biết

Tự doanh chứng khoán là gì?

Theo Khoản 30, Điều 4, Luật Chứng khoán năm 2019: “Tự doanh chứng khoán (TDCK) là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình”.

Có thể hiểu đơn giản, TDCK là hoạt động một công ty chứng khoán (CTCK) tự mua bán giao dịch chứng khoán cho mình nhằm hưởng lợi nhuận từ lợi tức hay chênh lệch giá trên thị trường. Hay cũng có thể nói, tự doanh là việc mua đi bán lại chứng khoán để thu lời từ việc tăng giảm giá (mua thấp, bán cao), hoặc hưởng lợi nhuận định kỳ của một CTCK.

Do các CTCK có tính đặc thù về việc chủ động trên thị trường và khả năng tiếp cận thông tin. Từ đó có đem lại những lợi thế nhất định trong việc tự doanh chứng khoán như: nắm được xu thế giao dịch, có thể dự đoán các diễn biến tiếp theo của thị trường, có thể nắm được thông tin về quan hệ cung cầu trên thị trường. Đặc biệt, khi CTCK thực hiện tự doanh vì tự giao dịch cho chính công ty nên sẽ không phải lo nghĩ đến phí giao dịch. 

Với khả năng chuyên môn cao và nguồn vốn lớn, hoạt động tự doanh của mỗi CTCK được xem là một giao dịch của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc TDCK với quy mô lớn của CTCK có thể đem lại cho thị trường những tác động nhất định về giá cả. Từ hoạt động này, các CTCK có thể góp một phần lớn trong việc bình ổn lại giá cả chứng khoán và điều tiết lượng cung cầu trên thị trường. Tuy nhiên, mục đích quan trọng nhất mà CTCK hướng tới trong hoạt động tự doanh chứng khoán là để thu được lợi nhuận cho chính mình.

Tự doanh chứng khoán của CTCK có thể thực hiện ở Sở giao dịch chứng khoán (SGD) và Sàn giao dịch phi tập trung (OTC). Tại SGD việc mua bán này được diễn ra như hoạt động của các nhà đầu tư thông thường. Tại thị trường OTC, hoạt động TDCK có thể diễn ra trực tiếp giữa CTCK với các đối tác hoặc thông qua giao dịch song phương trong đó các bên sẽ đàm phán và đạt sự thỏa thuận về giá cả và số lượng, cũng như hình thức thanh toán.

Phương thức thực hiện tự doanh chứng khoán

Tự doanh có thể thực hiện theo hai phương thức giao dịch là trực tiếp hay gián tiếp.

Phương thức thực hiện TDCK

Giao dịch trực tiếp

Là cách giao dịch “trao tay” giữa công ty chứng khoán và đối tác theo giá được thỏa thuận trực tiếp. Có thể nói giao dịch tự doanh trực tiếp là giao dịch song phương, mà ở đó công ty chứng khoán và đối tác đóng vai trò là người mua và người bán. Trong giao dịch, cả hai thỏa thuận trực tiếp với nhau về giá cả, số lượng và hình thức trao đổi cổ phiếu. Các loại chứng khoán giao dịch rất đa dạng, chủ yếu là chứng khoán không niêm yết và chứng khoán mới phát hành, hoặc có thể là giao dịch thỏa thuận cổ phiếu niêm yết giữa công ty chứng khoán và bên thứ hai. Các ví dụ về giao dịch tự doanh trực tiếp như: mua cổ phiếu OTC, mua cổ phiếu IPO, mua đấu giá cổ phiếu, giao dịch thỏa thuận cổ phiếu niêm yết. 

Giao dịch gián tiếp

Là giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch Chứng khoán để đặt lệnh. Thông thường, khi giao dịch tự doanh gián tiếp, các CTCK sẽ thanh toán đa phương. Trong đó, người mua và người bán không biết được đối tượng giao dịch là ai mà thông qua hệ thống đặt lệnh của Sở.

Mục đích của hoạt động tự doanh chứng khoán

Mục đích lớn nhất khi tự doanh chứng khoán của CTCK là thu được lợi nhuận từ chênh lệch giá chứng khoán. Là một công cụ tài chính phổ biến, chứng khoán có tính thanh khoản cao và khả năng tạo ra lợi nhuận lớn. Vì vậy, hoạt động TDCK tại các CTCK nhằm các mục đích chính sau:

Mục đích của hoạt động tự doanh chứng khoán

Tự doanh chứng khoán nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ đầu cơ chênh lệch giá cổ phiếu 

Việc tự doanh chứng khoán đem lại cho các CTCK các khoản lợi nhuận lớn từ chênh lệch giá và lợi tức chứng khoán ví dụ như trái tức, cổ tức, lợi tức cổ phần quỹ đầu tư,…Trái lại, khi thị trường “tụt dốc”, thị giá giảm thì các khoản lợi nhuận khó có thể bù lại được phần mất giá. 

Thông thường, tại các CTCK thường có những chuyên gia nhiều kinh nghiệm đảm nhận việc phân tích thị trường và hoạch định chiến lược cho doanh nghiệp trong hoạt động  tự doanh này. Từ đó, giúp công ty có những nhận định, phân tích kỹ lưỡng và giảm thiểu rủi ro trong đầu tư. 

Thông qua hình thức đầu tư góp vốn với doanh nghiệp (hay công ty con) 

Các CTCK khi đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi hoặc kèm quyền chuyển đổi tại các Công ty Cổ phần sẽ trở thành cổ đông. Do đó, các CTCK phải nắm rõ được hạn mức được phép khi đầu tư hùn vốn với Công ty cổ phần là trong dài hạn hay ngắn hạn. Bên cạnh đó CTCK phải tuân thủ các quy định về pháp lý đối với cổ đông lớn.

Can thiệp bảo vệ giá trên thị trường

Khi thị trường chứng khoán gặp phải những biến động về giá gây bất lợi cho tình hình hoạt động chung, thì các CTCK có thể thực hiện tự doanh chứng khoán. Hoạt động này có thể được thực hiện theo yêu cầu do các cơ quan quản lý can thiệp. Hoặc công ty cũng có thể thực hiện TDCK để bảo vệ chính mình và khách hàng của mình.

Nhằm Thu lại lợi nhuận

Mục đích lớn nhất của hoạt động tự doanh chứng khoán của các CTCK là để thu được lợi tức và chênh lệch giữa giá mua giá bán trên thị trường. Với khả năng sở trường trong phân tích và lợi thế về thông tin, ngoài mục đích tích lũy các loại chứng khoán phục vụ khách hàng, các CTCK còn có thể thực hiện TDCK. Các CTCK còn có thể thực hiện tự doanh với nhiều sản phẩm chứng khoán các như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, hoán đổi ETF,… 

Các CTCK thường đầu tư chờ chênh lệch giá kể cả trong trường hợp thị trường đang suy thoái, giảm giá. Tuy nhiên, CTCK cần phải đáp ứng các điều kiện trong luật định về quyền hạn và chức năng nhất định khi thực hiện nghiệp vụ TDCK. Các điều kiện này quy định các tiêu chí về vốn hoạt động, nhân viên tác nghiệp, người quản lý và cơ sở vật chất để phục vụ cho nghiệp vụ tự doanh.

Yêu cầu đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán

Các công ty chứng khoán khi triển khai nghiệp vụ tự doanh chứng khoán cần đáp ứng các yêu cầu sau:

Yêu cầu đối với nghiệp vụ TDCK

Yêu cầu tách biệt trong quản lý:

Một công ty chứng khoán hoạt động song song hai nghiệp vụ môi giới chứng khoán và tự doanh chứng khoán có thể dễ xảy ra xung đột lợi ích giữa khách hàng và công ty. Vì vậy để đảm bảo tính minh bạch rõ ràng, hiện nay luật đã quy định và các CTCK trên thực tế đã tách biệt 2 nghiệp vụ này. Sự tách biệt này bao gồm các yếu tố về quy trình nghiệp vụ, con người, vốn và tài sản của công ty và khách hàng.

Yêu cầu ưu tiên dành cho khách hàng:

Do có tính đặc thù trong khả năng tiếp cận thông tin và có thể chủ động trên thị trường. Cho nên các công ty chứng khoán phải ưu tiên các giao dịch của khách hàng xử lý trước lệnh tự doanh của công ty. Nguyên tắc này, để đảm bảo được sự công bằng trong quá trình giao dịch chứng khoán. Tránh các trường hợp mua hoặc bán tranh của khách hàng trong quá trình thực hiện tự doanh chứng khoán.

Yêu cầu bình ổn giá cả thị trường:

Hoạt động tự doanh nhằm góp phần làm bình ổn lại giá cả trên thị trường. Trong trường hợp này, hoạt động tự doanh của các CTCK được tiến hành bắt buộc theo luật định. Theo đó, các công ty chứng khoán có nghĩa vụ phải bán ra khi giá chứng khoán tăng và mua vào khi giá giảm nhằm giữ được sự ổn định trên thị trường.

Yêu cầu hoạt động tạo lập thị trường:

Hiện nay các CTCK có thể tự doanh mua 1 số lượng cổ phiếu nhất định để làm kho cơ sở cho việc phát hành chứng quyền. Trong đó, các CTCK đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường, có khả năng điều tiết giá cũng như giữ được sự ổn định đối với sản phẩm chứng quyền đó. Bên cạnh đó, hiện nay Pháp luật Việt Nam có ban hành một số luật cũng như hướng dẫn dành cho các CTCK có phát hành chứng quyền. Từ đó, giúp các CTCK hoạt động đúng đắn và hiệu quả hơn.

Quy định của pháp luật về nghiệp vụ tự doanh chứng khoán

Pháp luật tại Việt nam có một số quy định cụ thể đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán về vốn, hoạt động và tài khoản như sau:

Quy định của pháp luật về nghiệp vụ tự doanh chứng khoán

Quy định về vốn pháp định

Căn cứ theo Mục b, điều 175, Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Quy định Vốn pháp định cho hoạt động tự doanh chứng khoán tại các công ty chứng khoán Việt Nam có Vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng Việt Nam.

Quy định về hoạt động TDCK

Theo Điều 22, Thông tư số 121/2020/TT-BTC, các quy định hoạt động của công ty trong nghiệp vụ TDCK như sau:

“1. Công ty chứng khoán phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán để thanh toán các lệnh giao dịch cho tài khoản của chính mình.

  1. Nghiệp vụ tự doanh của công ty chứng khoán phải được thực hiện với danh nghĩa chính mình, không được mượn danh nghĩa của người khác hoặc thực hiện với danh nghĩa cá nhân hoặc cho người khác sử dụng tài khoản tự doanh.
  2. Các trường hợp sau không được coi là tự doanh chứng khoán:
  3. a) Mua, bán chứng khoán do sửa lỗi sau giao dịch;
  4. b) Mua, bán cổ phiếu của chính mình.
  5. Công ty chứng khoán phải ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước khi thực hiện lệnh của chính mình.
  6. Công ty chứng khoán phải công bố cho khách hàng biết khi mình là đối tác trong giao dịch thỏa thuận với khách hàng.
  7. Trong trường hợp lệnh mua, bán chứng khoán của khách hàng có thể ảnh hưởng lớn tới giá của loại chứng khoán đó, công ty chứng khoán không được mua, bán trước cùng loại chứng khoán đó cho chính mình hoặc tiết lộ thông tin cho bên thứ ba mua, bán chứng khoán đó.  
  8. Khi khách hàng đặt lệnh giới hạn, công ty chứng khoán không được mua hoặc bán cùng chiều cùng loại chứng khoán đó cho mình ở mức giá bằng hoặc tốt hơn mức giá của khách hàng trước khi lệnh của khách hàng được thực hiện.”

Quy định về tài khoản 

Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã bổ sung hướng dẫn chi tiết quy định về việc Công ty chứng khoán mở tài khoản giao dịch tự doanh tại Thông tư 120/2020/TT-BTC như sau:

“Công ty chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh và là thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán tự doanh tại chính công ty.”.

Phân biệt tự doanh chứng khoán và môi giới chứng khoán

Phân biệt TDCK với môi giới chứng khoán

Một công ty chứng khoán thường sẽ có hai nghiệp vụ chính đó là môi giới chứng khoán và tự doanh chứng khoán. Sau đây là những điểm khác nhau giúp bạn phân biệt được hai nghiệp vụ này:

 Tự doanh chứng khoánMôi giới chứng khoán
Định nghĩaLà việc một công ty chứng khoán tự mua bán chứng khoán cho chính mình.Là việc làm trung gian để thực hiện mua hay bán các loại chứng khoán cho khách hàng.
Nhiệm vụCTCK tự kinh doanh bằng chính nguồn vốn của mìnhHưởng hoa hồng từ các loại phí khi làm trung gian thực hiện lệnh
Vốn50 tỷ đồng25 tỷ đồng

Nghiệp vụ TDCK tại Việt Nam

Nghiệp vụ TDCK tại Việt Nam

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động tự doanh chứng khoán diễn ra khá sôi nổi. Vào quý 4 năm 2020, lợi nhuận thu được từ việc TDCK là khá cao và đóng góp một phần lớn vào tổng lợi nhuận các hoạt động trong cả năm 2020 của công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, bên cạnh một số CTCK có lợi nhuận tăng thì vẫn còn một vài công ty có sự sụt giảm trong hoạt động đầu tư trong quý 04/2020 như MBS. AGR, TCBS,…Đối với những CTCK hoạt động mạnh mẽ trong mảng tự doanh trái phiếu thì quý 04/2020 là khoảng thời gian không thuận lợi. Nguyên nhân do Nghị định 81/2020/NĐ-CP siết chặt thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực vào tháng 09/2020.

Vào năm 2021, các công ty chứng khoán đã có dấu hiệu nhập cuộc trở lại bằng cách mua ròng trong nghiệp vụ tự doanh chứng khoán. Theo thông tin trên Chuyên trang Đầu tư chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 18/03 Chỉ số VN-Index đạt hơn 1.200 điểm. Thị trường ghi nhận khối tự doanh đạt giá trị mua ròng 208 tỷ đồng, trong đó mua ròng 239 tỷ đồng qua khớp lệnh. Trong đó mua mạnh nhất vào các nhóm cổ phiếu thực phẩm, đồ uống, ngân hàng còn bán ròng đối với nhóm ngành bất động sản 

Theo nhận định của một số chuyên gia chứng khoán, từ khi thị trường chứng quyền và phái sinh xuất hiện thì tỷ trọng hoạt động đầu cơ chênh lệch giá và phòng hộ được nâng lên đáng kể trong khối tự doanh. Nhằm mục đích phòng hội cho chứng quyền, phái sinh và hoạt động kinh doanh chênh lệch giá.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam có tự doanh chứng khoán không?

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam có đầy đủ nguồn vốn và nhân lực để thực hiện việc TDCK. Tuy nhiên, chúng tôi KHÔNG TỰ DOANH CHỨNG KHOÁN.

Vì sao Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam không tự doanh chứng khoán?

Bởi vì định hướng của Yuanta Việt Nam là tập trung phát triển và đồng hành cùng nhà đầu tư với phương châm hàng đầu trong quá trình phụng sự khách hàng chính là tránh những mâu thuẫn lợi ích với khách hàng.

Chính vì thế, YSVN hi sinh nghiệp vụ tự doanh. Dù trong năm 2020 & 2021 mảng lợi nhuận từ tự doanh của các công ty chứng khoán khác rất lớn nhưng YSVN vẫn nói kiên định đi theo con đường trở thành Nhà cung cấp Dịch Vụ Tài Chính Tốt Nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Chúng tôi hướng tới mục tiêu đảm bảo và cân bằng lợi ích cho nhà đầu tư trong quá trình trải nghiệm và sử dụng dịch vụ tại Yuanta Việt Nam.  

Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã phần nào nắm được khái niệm và những đặc điểm của nghiệp vụ Tự doanh chứng khoán. YSedu hy vọng những kiến thức này có thể giúp bạn trong quá trình phân tích và đầu tư trên thị trường chứng khoán. Chúc bạn đầu tư thành công!