Trang chủ Thực hành đầu tư Phân tích Cổ Phiếu BSR HƯỞNG LỢI KHI GIÁ DẦU TĂNG CAO

20/06/2022 - 01:31

BSR HƯỞNG LỢI KHI GIÁ DẦU TĂNG CAO

BSR HƯỞNG LỢI KHI GIÁ DẦU TĂNG CAO

Công ty Cổ phần Lọc – Hóa dầu Bình Sơn (UPCOM: BSR) quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm tương đương 148.000 thùng/ngày, hiện chiếm hơn 30% nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Giá dầu tăng cao góp phần giúp cho hoạt động kinh doanh của BSR được cải thiện và tăng trưởng đáng kể khi BSR được hưởng lợi trực tiếp khi các sản phẩm đầu ra neo trực tiếp vào giá dầu thô trên thị trường.

Tổng quan thị trường dầu khí

Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn thế giới năm 2022 cải thiện nhờ kỳ vọng sự hồi phục nền kinh tế khi chuỗi cung ứng toàn cầu được hanh thông trở lại. 

Theo báo cáo đầu tháng 03/2022 của Goldman Sachs “do xung đột quân sự vẫn đang gia tăng, leo thang các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự cô lập ngày càng tăng của Nga giá dầu Brent giao ngay nửa cuối năm 2022 dự báo là $ 135/bbl, còn nửa đầu năm 2023 là $ 115/bbl”. Còn EIA dự báo “giá dầu Brent sẽ bình quân ở mức 111,28 USD/thùng trong quý 3 năm 2022 và giá sẽ giảm về khoảng 104,97 USD/thùng trong quý 4 năm nay”. Nhìn chung, giá dầu vẫn neo ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian ngắn trước mắt trong bối cảnh phức tạp của tình hình vĩ mô.

Tổng quan doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Lọc – Hóa dầu Bình Sơn (BSR) được thành lập năm 2008. BSR chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2018. Công ty là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD. Việc xây dựng thành công và đưa Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất  vào vận hành mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm tương đương 148.000 thùng/ngày, hiện chiếm hơn 30% nhu cầu năng lượng của Việt Nam. 

Điểm nhấn doanh nghiệp

Triển vọng lạc quan trong ngắn hạn nhờ giá dầu thế giới tăng, giá dầu thô dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 và  giảm nhẹ từ đầu năm 2023 hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của BSR khiến cho crack spread (Chênh lệch giữa giá 1 thùng dầu thô và sản phẩm xăng dầu chế biến từ thùng dầu thô) của BSR được hưởng lợi.

Hàng rào gia nhập ngành đối với các doanh nghiệp khác là rất lớn, hiện ở Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu là Nhà máy lọc dầu Dung Quốc hoạt động năm 2009 và Nghi Sơn hoạt động năm 2018. Dung Quất và Nghi Sơn chiếm gần 70% thị phần sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam, phần còn lại là nhập khẩu. 

Năm 2022 BSR dự kiến bắt đầu dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng mức đầu tư mới là hơn 1,2 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào cuối 2025 và vận hành thương mại vào đầu năm 2026. Sau khi dự án nâng cấp hoàn thành, dự kiến sẽ nâng cao năng suất chế biến của nhà máy lên 7,5 triệu tấn dầu thô/năm thay vì mức 6,5 triệu tấn ở hiện tại.

Nhu cầu xăng dầu nội địa được kỳ vọng hồi phục và tăng trưởng sau dịch bệnh khi nền kinh tế đi vào ổn định và phát triển. 

Hoạt động kinh doanh

Cơ cấu sản phẩm của NMLD Dung Quất gồm: Khí hóa lỏng LPG, Khí hóa lỏng Propylene, Xăng  RON 92/A95/, Xăng E5/10, Dầu hỏa, Xăng máy bay Jet A1/Jet 1, Dầu DO, Dầu FO, Hạt nhựa Polypropylene và Lưu huỳnh. Nguồn cung dầu thô chính của Công ty vẫn là mỏ Bạch Hổ, chiếm khoảng 60% tổng khối lượng dầu thô đưa vào chế biến của Công ty.

Nguồn BSR, YSVN tổng hợp

Do giá dầu thô tác động trực tiếp đến giá bán sản phẩm của BSR nên doanh thu của Công ty không diễn biến tuyến tính với sản lượng xuất bán. Để duy trì khả năng vận hành cường độ cao, hoạt động bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, máy móc được Công ty tiến hành thường xuyên, trong đó đáng kể nhất là hoạt động bảo dưỡng lớn với chu kì 3 năm/lần với lần gần nhất là năm 2020, vì vậy chúng ta có thể thấy trong năm 2020, sản lượng cũng như doanh thu của BSR khá thấp cùng với chịu tác động kép khi giá dầu ở mức thấp nên dẫn đến giá vốn hàng bán cao hơn so với doanh thu bán ra dẫn đến lợi nhuận âm.

Năm 2021, BSR ghi nhận doanh thu thuần đạt 101.080 tỷ VNĐ tăng 74% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 6.683 tỷ đồng so với mức lỗ 2.858 tỷ VNĐ ở năm 2020. Đóng góp chủ yếu vào kết quả kinh doanh nổi bật này là sản lượng tiêu thụ phục hồi trong năm 2021, đạt 6.423 nghìn tấn tăng 8,5% so với cùng kỳ sau kì đại tu lần thứ 4 kéo dài 51 ngày của BSR trong năm 2020. Đồng thời, giá bán thành phẩm của BSR được neo theo giá dầu Brent đang ở mức cao trong năm 2021 với giá trung bình của năm 2021 là 70 USD/thùng so với mức 42 USD/thùng của năm 2020 cũng tác động đến sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của BSR. 

Cơ cấu doanh thu

Từ năm 2018 đến nay, doanh thu của hai sản phẩm xăng truyền thống là Xăng Mogas 92 và 95 đã chiếm đến gần 50% doanh thu, trở thành dòng sản phẩm có doanh thu lớn nhất của Công ty. Và tỷ trọng của Xăng Mogas 92 và 95 trong năm 2021 vẫn giữ vị thế quan trọng khi đóng góp tỷ trọng lớn chiếm 48,4% doanh thu của BSR.

Nguồn BSR, YSVN tổng hợp

Tùy từng thời điểm, do chênh lệch trong thị trường cung – cầu dầu thô và cung – cầu thị trường xăng, dầu DO có thể khiến mức chênh lệch giá đầu vào – đầu ra thay đổi. Doanh thu của Công ty chủ yếu vẫn đến từ các sản phẩm truyền thống là dầu DO và Xăng Mogas 92 /95, các sản phẩm chính của quá trình lọc dầu, chiếm đến trên 85% với tổng giá trị tương ứng đạt 82.364 tỷ đồng.

Trong năm 2021, tuy giá dầu thô tăng nhưng chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm (crack margin) của Jet A1 và dầu DO vẫn còn hẹp trung bình lần lượt là 4,17 USD/bbl và 2,14 USD/bbl. Doanh thu đến từ dầu DO đạt 34.105 tỷ đồng còn Jet A1 đạt 3.000 tỷ đồng.

Mặc dù sản lượng khiêm tốn hơn dầu DO, nhưng các sản phẩm xăng của công ty có giá bán tốt hơn dẫn đến tỷ trọng trong doanh thu của các sản phẩm xăng cũng cao hơn so với cơ cấu sản lượng tiêu thụ. Crack Margin của Xăng Mogas 92/95 lần lượt là 11,26 USD/bbl và13,43 USD/bbl. Xăng đang là sản phẩm mang lại hiệu quả kinh doanh nhất của BSR. Giá trị mang về cho BSR đối với Mogas 95 và 92 lần lượt là 33.412 tỷ đồng và 14.847 tỷ đồng.

Nguồn BSR

Các khách hàng lớn của Công ty bao gồm: Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro,  Dầu khí Đồng Tháp và Thanh Lễ. Bên cạnh việc gìn giữ và phát huy mối quan hệ tốt đẹp với các khách hàng truyền thống, Công ty đang thực hiện đa dạng hóa cơ cấu khách hàng xăng dầu của mình ngày càng đa dạng và rộng khắp hơn.

Công ty thực hiện bán hàng theo hai phương thức với hai loại hợp đồng tương ứng: Hợp đồng Term/Hợp đồng dài hạn và Hợp đồng Spot/Hợp đồng chuyến. 

Đối với hợp đồng Spot: Hàng tháng, sau khi cân đối lượng hàng, Công ty sẽ thông báo cho tất cả các khách hàng về nhu cầu bán spot xăng dầu trong tháng của Công ty. Sau khi nhận được chào mua của các khách hàng, Công ty sẽ tiến hành đàm phán và thỏa thuận các điều khoản mua bán cũng như giá cả mỗi lần giao dịch với từng khách hàng. Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu mua spot, Công ty sẽ tiến hành cân đối lượng hàng và đàm phán với khách hàng.  

Đối với hợp đồng Term: Công ty và khách hàng sẽ ký hợp đồng theo từng năm, quy định thời điểm và khối lượng giao hàng theo từng tháng trong năm, giá mua hàng được điều chỉnh 6 tháng/lần theo tình hình thị trường

Dưới sự diễn biến phức tạp của giá dầu, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của BSR khá thận trọng khi đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 91.678 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.295 tỷ đồng, tương ứng giảm 10% và 81% so với thực hiện năm 2021.

Cập nhật kết quả kinh doanh quý 1 năm 2022

Kết thúc 3 tháng đầu năm 2022 doanh thu thuần của BSR đạt 34.783 tỷ đồng tăng 65% so với cùng kỳ. Gía vốn hàng bán vẫn chiếm tỷ trọng cao gần 93% doanh thu chủ yếu là chi phí mua dầu thô, sau khi trừ giá vốn lợi nhuận gộp đạt 2.612 tỷ đồng tăng 28% so với quý 1/2021.

Giá dầu thô vẫn tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2022 và đà tăng vẫn duy trì cho đến hiện tại tạo ra lợi thế cho BSR. Đồng thời khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm (crack margin) năm nay cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước đã góp phần làm tăng hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của công ty.

Sức khỏe tài chính

Cơ cấu tài sản

Nguồn BSR, YSVN tổng hợp

Cơ cấu tài sản trong giai đoạn 2018 – 2021 thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng tài sản ngắn hạn, giảm tỷ trọng tài sản dài hạn. Đặc biệt trong năm 2021 tài sản ngắn hạn tăng chủ yếu do tăng từ các nhân tố tiền và tương đương tiền tăng 27,7%  đạt 16.345 tỷ đồng, đây là các khoản tiền gửi kì hạn không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 74% so với cùng kỳ đạt 13.600 tỷ đồng do giá bán tăng. Đồng thời công ty cũng duy trì lượng hàng tồn kho 10.358 tỷ đồng tăng 23% so với năm 2020 do dự kiến nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng và tận dụng được xu hướng tăng của giá dầu để tạo lợi thế sản phẩm đầu ra cao hơn.

Các tài sản cố định của Công ty chủ yếu là hệ thống máy móc, thiết bị, phân xưởng công nghệ cao, có giá trị, khấu hao hàng năm lớn (khoảng ~2.300 tỷ/năm).

Cơ cấu nguồn vốn

Nguồn BSR, YSVN tổng hợp

Nợ phải trả tăng 17,7% đạt mức 29.232 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Khoản mục này tăng chủ yếu do công ty chiếm dụng được vốn từ người bán nhiều hơn khi phải trả người bán tăng 35% từ mức 7.004 tỷ đồng năm 2020 lên mức 9.450 tỷ đồng cuối năm 2021. Đồng thời phải trả ngắn hạn khác ghi nhận 5.336 tỷ đồng trong đó 4.036 tỷ đồng là đến từ nghĩa vụ phải trả cho lô dầu đến từ Singapore UPAS L/C trả chậm tại Vietcombank. Tuy lượng tiền mặt lớn nhưng công ty vẫn duy trì khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng do tận dụng lợi thế về lãi suất rẻ trong năm 2021 cho nhu cầu vốn lưu động của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khả năng thanh toán

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Các chỉ số khả năng thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh của công ty luôn lớn hơn 1 cho thấy khả năng đáp ứng nhu cầu thanh toán của công ty khi đến hạn là rất tốt, đảm bảo được khả năng thanh toán.

Khả năng sinh lời

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Năm 2020 do tác động của giá dầu giảm mạnh nên hoạt động kinh doanh gặp khó khăn và ghi nhận lỗ vì vậy ROA, ROE đều ghi nhận giá trị âm. Tuy nhiên, năm 2021 khi biến động giá dầu tăng, tạo thuận lợi cho BSR nên hiệu quả kinh doanh được cải thiện đáng kể với ROA đạt 10,95% cho biết cứ 100 đồng tài sản được sử dụng sẽ tạo ra 10,95 đồng lợi nhuận và ROE đạt 19,57% cho thấy cứ 100 đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra sẽ mang về 19,57 đồng lợi nhuận. Thể hiện được sự hiệu quả trong quản lý kinh doanh của công ty khi gặp điều kiện thuận lợi. 

Hạn chế đầu tư

Dầu mỏ là sản phẩm có giá được quyết định bởi cung cầu thế giới. Vì thế, sự biến động về giá dầu thô thế giới cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp vào hoạt đông và doanh thu của BSR. Đặc biệt với đặc thù công ty phải tồn khô một lượng dầu thô khá lớn trong khoảng từ 30 – 45 ngày để có thể sản xuất thành phẩm, vì vậy giá dầu biến động giảm sẽ khiến chi phí giá vốn tăng lên tác động trực tiếp đến biên lợi nhuận của BSR.

Để duy trì khả năng vận hành cường độ cao, hoạt động bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, máy móc được Công ty tiến hành thường xuyên, trong đó đáng kể nhất là hoạt động bảo dưỡng lớn với chu kì 3 năm/lần với lần gần nhất là năm 2020 và sắp đến là năm 2023, vì vậy khả năng cao công suất chế biến của BSR sẽ giảm trong giai đoạn này. 

Đặc thù của ngành Dầu khí là cần vốn đầu tư lớn là một lợi thế cạnh tranh khi rào cản gia nhập ngành cao tuy nhiên đi kèm rủi ro cao và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố chính trị. Vì vậy, các chiến lược, chính sách về năng lượng, kinh tế, ngoại giao đều có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp ngành dầu khí. Bên cạnh đó, sự bất ổn trong khu vực trong khu vực có dầu như tranh chấp các mỏ dầu ở các vùng nước biển xa bờ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.  

—————————————————————————————————————-

Lưu ý: Đây là những thông tin liên quan đến doanh nghiệp đã được YSVN thu thập, phân tích dựa trên các nguồn đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể tham khảo để hiểu về ngành nghề và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, nội dung không mang ý nghĩa khuyến nghị đầu tư. YSVN không chịu trách nhiệm về tính chính xác và miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng thông tin trên đây đến kết quả đầu tư. Để nhận được khuyến nghị đầu tư cụ thể vui lòng mở tài khoản để được các chuyên viên tư vấn của Yuanta Việt Nam hướng dẫn giao dịch cụ thể với từng vị thế của khách hàng.

—————————————————————————————————————-

Bùi Thị Loan – Trưởng phòng học viện phát triển năng lực đầu tư

Email: loan.bui@yuanta.com.vn

Nguyễn Trung Hiếu – Chuyên viên học viện phát triển năng lực đầu tư

Email: hieu.nguyen1@yuanta.com.vn