07/12/2023 - 06:37
GIÁ ĐIỆN TĂNG TÁC ĐỘNG ĐẾN DOANH NGHIỆP NÀO?
Trong giai đoạn 2015 – 2019, giá điện trung bình được điều chỉnh 2 năm/lần, với mức tăng trung bình 7.3%/lần. Tuy nhiên, trong năm 2023 đã có 2 lần điều chỉnh giá điện, đợt đầu tiên tăng 3% so với giá bán lẻ bình quân trước đó từ mức giá 1,864.44 đồng/kWh. Mới đây, EVN đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lên 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) tăng 4.5% so với mức 1,920.37 tương ứng tăng thêm 86.41 đồng/kWh từ ngày 09 tháng 11 năm 2023.
Nguyên nhân đến từ giá nhiên liệu tăng cao từ năm 2022 khiến chi phí sản xuất điện tăng mạnh. Cụ thể, ước tính chi phí sản xuất điện bình quân của EVN sẽ vào khoảng 2,098đ/kWh cho năm nay, cao hơn 92đ/kWh (4.5%) so với mức giá bán lẻ sau đợt tăng này. Việc tăng giá điện sẽ giúp doanh thu EVN tăng lên và góp phần giảm thiểu khó khăn tài chính của tập đoàn.
Điện đang chiếm khoảng 3% tổng cấu thành rổ tính CPI nên khi giá điện tăng 4.5% thì CPI tăng 0.14%, nếu xét mức tăng từ đầu năm, tương ứng giá điện đã tăng 7.5% thì CPI tăng tương ứng 0.23%.
Nhìn tổng thể bức tranh EVN tăng giá điện bán lẻ sẽ làm giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng, từ đó làm giảm lợi nhuận. Tuy nhiên cũng sẽ có những doanh nghiệp nhất định hưởng lợi cũng như bị tác động tiêu cực mạnh từ việc tăng giá này.
Doanh nghiệp hưởng lợi:
Doanh nghiệp phát điện (POW, NT2, QTP) sẽ hưởng lợi lớn nhất, chủ yếu do khả năng thanh toán của EVN cải thiện, hỗ trợ dòng tiền và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nhóm xây lắp điện (PC1, TV2): Doanh thu và back-log ký mới nhóm xây lắp điện hưởng lợi từ tình hình đầu tư các dự án nguồn, lưới điện được phục hồi khi tình hình tài chính EVN cải thiện.
Doanh nghiệp bị tác động tiêu cực:
Tuy nhiên, việc tăng giá bán lẻ điện đối với một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện ảnh hưởng tiêu cực khi giá vốn hàng bán sẽ tăng mạnh, điển hình như xi măng, hóa chất, thép, giấy.
Theo ước tính, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, hóa chất. Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán. Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4-5%. Khi giá điện tăng sẽ khiến cho giá vốn các doanh nghiệp này tăng lên tương ứng.
Năm 2024, chúng tôi dự báo giá điện có thể tiếp tục tăng 7 – 8% do hiện tại chi phí sản xuất điện bình quân của EVN sẽ vào khoảng 2,098đ/kWh cho năm nay, vẫn cao hơn 92đ/kWh (4.5%) so với mức giá bán lẻ sau đợt tăng ngày 09/11/2023. Đợt tăng giá sẽ giúp EVN hoàn toàn thoát ra khỏi khó khăn tài chính, và điều này cũng tác động trực tiếp làm CPI tăng thêm khoảng 0.21% – 0.24%.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chính thức điều chỉnh tăng khung xác định giá bán lẻ điện lên 1,826-2,444đ/kWh (tương đương dư địa tăng giá còn lại của EVN là 21%).
—————————————————————————————————————-
Lưu ý: Đây là những thông tin liên quan đến doanh nghiệp đã được YSVN thu thập, phân tích dựa trên các nguồn đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể tham khảo để hiểu về ngành nghề và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, nội dung không mang ý nghĩa khuyến nghị đầu tư. YSVN không chịu trách nhiệm về tính chính xác và miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng thông tin trên đây đến kết quả đầu tư. Để nhận được khuyến nghị đầu tư cụ thể vui lòng mở tài khoản để được các chuyên viên tư vấn của Yuanta Việt Nam hướng dẫn giao dịch cụ thể với từng vị thế của khách hàng.
—————————————————————————————————————-
Bùi Thị Loan – Trưởng phòng Đào tạo đầu tư
Email: loan.bui@yuanta.com.vn
Nguyễn Trung Hiếu – Chuyên viên Đào tạo đầu tư
Email: hieu.nguyen1@yuanta.com.vn