27/05/2022 - 06:32
GVR – BẠT NGÀN CAO SU
Tập đoàn công nghiệp cao su Việt nam (HOSE: GVR) là Tập đoàn kinh tế nông nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, mỗi năm Tập đoàn sản xuất bình quân 400.000 tấn cao su, chiếm khoảng 30% diện tích và sản lượng cao su của cả nước và giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành cao su Việt Nam phát triển.
Điểm nhấn đầu tư
Giá cao su thiên nhiên tăng mạnh do được hưởng lợi kép từ giá dầu tăng và nguồn cung cao su hạn chế. Theo Cục Xuất nhập khẩu giá cao su tự nhiên được dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trong năm 2022, tác động tích cực đến biên lợi nhuận của GVR.
Lợi thế quỹ đất trồng cao su lớn, doanh nghiệp chuyển đổi sang phân khúc khu công nghiệp rất tiềm năng khi nhu cầu thuê đất được dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh do làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Định hướng giai đoạn 2021 – 2025, GVR đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành, trong đó phát triển từ 15.000 – 20.000 ha diện tích KCN. GVR dự kiến có thêm 9 dự án khu công nghiệp trong 5 năm tới, với tổng quỹ đất 5.000 ha, tập trung tại Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Pleiku.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ đi kèm nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển khi GVR có diện tích cây cao su thanh lý bình quân 10.000-12.000 ha/năm. Trong năm 2021 tổng sản lượng sản xuất hơn 1,26 triệu m3; tổng doanh thu trên 7.264 tỷ đồng.
Năm 2022 tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu đạt 29.707 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 6.480 tỷ đồng tăng lần lượt 13,2% và 4% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời dự kiến lợi nhuận từ hoạt động tài chính sẽ được ghi nhận khoảng 800 tỷ đồng khi GVR thoái vốn tại NTC.
Hoạt động kinh doanh
Tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn lần lượt là 28.351 tỷ đồng và 6.213 tỷ đồng tăng lần lượt 9,57% và 5,10% so với cùng kỳ năm 2020.
Kể từ khi công ty cổ phần hóa, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn tăng trưởng tích cực, Doanh thu đã tăng đáng kể từ 14,090 lên 26.226 tỷ đồng tương ứng mức tăng 86% từ giai đoạn 2018 – 2021.
Tập đoàn công nghiệp cao su Việt nam có hoạt động kinh doanh chính là trồng khai thác, chế biến và tiêu thụ cao su chiếm trên 70% tổng doanh thu. Ngoài ra tập đoàn cũng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su, chế biến gỗ cũng như đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Cơ cấu doanh thu
Trong năm 2021 doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ cao su đạt 17.769 tỷ đồng chiếm 73% tổng doanh thu của tập đoàn, hoạt động sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cao su đạt 2.347 tỷ đồng chiếm 9%, hoạt động chế biến gỗ đạt 3.594 tỷ đồng chiếm 15% và hoạt động đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp đạt 766 tỷ đồng chiếm 3% trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn.
Trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ cao su
Đến cuối năm 2021, tổng diện tích vườn cây cao su của tập đoàn là 401.877 ha trong đó trong nước là 287.262 ha còn ở nước ngoài là 114.615 ha. Là doanh nghiệp sở hữu diện tích vườn cây cao su lớn nhất Việt Nam.
Năm 2021 sản lượng khai thác toàn Tập đoàn đạt trên 390.000 tấn, đạt 105% kế hoạch, tăng hơn 20.000 tấn so với năm 2020. Thu mua đạt trên 95.000 tấn đạt 125% kế; Tiêu thụ khoảng 478.000 tấn.
Công nghiệp cao su
Các sản phẩm công nghiệp cao su của Tập đoàn hiện nay gồm: Sản xuất lốp xe thương hiệu ; nệm gối cao su (DORUFOAM); găng tay Khải Hoàn (Vglove); bóng thể thao (Geru Star); chỉ sợi cao su (SADO); dây chuyền băng tải (Cao su Bến Thành)… Các sản phẩm này đã, đang khẳng định được uy tín trên thị trường, được khách hàng trong nước và quốc tế tin cậy.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19 trong năm 2021, một số nhà máy phải ngừng hoạt động tỷ lệ chỉ đạt từ 70% đến 90% kế hoạch. Tuy nhiên nhờ sản phẩm băng tải và nhất là găng tay y tế giá khá tốt đã giúp cải thiện hiệu quả của lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su với lợi nhuận vượt xấp xỉ 20%.
Chế biến gỗ
Năm 2021, Tập đoàn sản xuất được 1.266.412 m3 gỗ các loại, tương đương với năm 2020. Trong đó, gỗ phôi sản xuất được 241.216 m3, gỗ ghép tấm sản xuất được 8.585 m3, riêng gỗ tinh chế sản xuất được 12.187 m3 vượt 14% kế hoạch, và MDF- MFB sản xuất được 1.004.424 m3 vượt 6% kế hoạch. Toàn Tập đoàn tiêu thụ được 1.194.794 m3 gỗ các loại. Trong đó, gỗ phôi 226.943 m3, gỗ ghép tấm 8.665 m3, gỗ tinh chế 12.215 m3, riêng MDF- MFB sản xuất được 946.971 m3.
GVR có diện tích cây cao su thanh lý bình quân 10.000-12.000 hecta/năm, đồng thời có thế mạnh và nguồn lực lớn về đất đai để phát triển trồng rừng nguyên liệu nên có lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gỗ
Tính đến cuối năm 2021 tập đoàn có tổng cộng 18 nhà máy sản xuất gỗ, trong đó có 14 nhà máy sơ chế, ghép tấm và tinh chế và 4 nhà máy MDF.
Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp
Năm 2021 là năm tiếp tục đánh dấu hiệu quả của Tập đoàn trong lĩnh vực đầu tư KCN. Trong giai đoạn 2022 – 2025, bên cạnh việc tập trung thực hiện thủ tục pháp lý và triển khai đầu tư các KCN/CCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 2.921 ha (bao gồm 1.734,53 ha đang triển khai thủ tục) thì Tập đoàn sẽ tiếp tục làm việc với các cấp thẩm quyền địa phương và bộ ngành để làm tiền đề cho việc triển khai triển khai phát triển thêm 16.592 ha. Trong đó, Tập đoàn làm chủ đầu tư 10.977 ha tại tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, các đơn vị đầu tư 5.615 ha. Tổng diện tích phát triển KCN/CCN cho tầm nhìn năm 2025 dự kiến là 23.444 ha.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng là một định hướng phát triển chiến lược của VRG nhằm tận dụng nguồn đất dồi dào, tăng hiệu quả sử dụng đất. Tập đoàn đã thí điểm chuyển đổi 486 ha trồng chuối nuôi cấy mô tại Cao su Dầu Tiếng, Đồng Phú và Phước Hòa đã khẳng định hiệu quả. Dự kiến, Tập đoàn sẽ tiếp tục chuyển những khu vực có nguồn nước, thuận lợi cơ sở hạ tầng sang lĩnh vực Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 40.000 đến 50.000 ha.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý 1/2022
Theo BCTC quý I/2022, Tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất 4.905 tỷ đồng, tăng 10,3% so với quý I/2021. Lợi nhuận gộp đạt 1.470,2 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó doanh thu từ hoạt động sản xuất và kinh doanh mủ cao su đạt 3.006 tỷ đồng tăng 10% và doanh thu từ hoạt động chế biến gỗ cũng đạt 964 tỷ đồng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021 còn doanh thu từ khu công nghiệp vẫn duy trì ở mức ổn định đạt 137 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, doanh thu từ sản xuất và kinh doanh các sản phẩm công nghiệp từ cao su giảm đáng kể xuống chỉ còn 475 tỷ đồng, tương ứng giảm 68%.
Sức khỏe tài chính
Cơ cấu tài sản
Công ty luôn duy trì tiền ở mức cao và quản lý dòng tiền một cách có hiệu quả và an toàn, cuối năm 2021 tiền và tương đương tiền đạt 5.303 tỷ đồng. Chính sách quản lý rủi ro được thiết lập để đảm bảo rằng các khoản tiền gửi kỳ hạn ở mức an toàn cao và linh hoạt để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của Tập đoàn luôn được đáp ứng.
Về tài sản: Tại ngày 31 tháng 12 năm 2021 tổng tài sản của Tập đoàn đạt 79.014 tỷ đồng bằng 98,4% so đầu năm. Tài sản dài hạn đạt 51.940 tỷ đồng chiếm 71,2% tổng tài sản, chủ yếu là các vườn cây cao su, các nhà máy chế biến và giá trị của các khu công nghiệp.
Cơ cấu nguồn vốn
Cuối năm 2021,vốn chủ sở hữu đạt 51.940 tỷ đồng chiếm hơn 65,74% trong cơ cấu tổng nguồn vốn, cho thấy Tập đoàn tận dụng tối đa nguồn vốn sẵn có của mình để phát triển sản xuất kinh doanh, việc vay mượn được cân nhắc và chọn lọc sao cho tối thiểu hóa chi phí liên quan và không làm ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số tài chính của Tập đoàn. Trong năm Vốn chủ sở hữu tăng 1,67% so với đầu năm sau khi đã thực hiện trả cổ tức cho các cổ đông và tỷ lệ nợ dài hạn giảm, cho thấy việc bảo toàn vốn và kiểm soát nợ vay của Tập đoàn ở mức tốt.
Về nợ phải trả: Tổng nợ phải trả tại ngày cuối năm 2021 là 27.074 tỷ đồng, bằng 93,9% so với đầu năm và chiếm tỉ lệ 34,3% trên tổng nguồn vốn, một tỷ lệ thấp. Tập đoàn giám sát chặt chẽ các khoản nợ phải trả, đặc biệt là nợ vay ngân hàng để đảm bảo khả năng thanh toán đúng hạn và sử dụng đòn bẩy tài chính phù hợp ở ngưỡng phù hợp, giảm áp lực chi phí lãi vay.
Tổng nợ cuối năm giảm 6,1% so với đầu năm, trong khi tổng tài sản chỉ giảm 1,6% so với đầu năm. Điều này nói lên là các đơn vị thành viên của Tập đoàn đã huy động các nguồn lực nội tại để trả nợ vay và các khoản nợ khác làm tổng nợ giảm đáng kể so với mức độ giảm của Tổng tài sản.
Tỷ số nợ so với vốn chủ sở hữu điều nhỏ hơn 1, Tập đoàn luôn ưu tiên việc sử dụng nguồn lực tự có để thực hiện đầu tư, kiểm soát nợ phải trả ở mức an toàn, sử dụng đòn bẩy tài chính phù hợp, đảm bảo an toàn về tài chính.
Khả năng thanh toán
Các chỉ tiêu đánh giá khả năng thanh toán nhanh đầu trên 0,7 lần và khả năng thanh toán hiện hành đầu gần ở mức 2 trở lên thể hiện tình hình tài chính lành mạnh và khả năng đáp ứng tốt việc thanh toán các khoản nợ phải trả.
Khả năng sinh lời
Các chỉ số ROA, ROE của tập đoàn tăng trưởng từ giai đoạn 2018 – 2021 cho thấy doanh nghiệp ngày càng sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu hiệu quả hơn.
Hạn chế đầu tư
Quy mô tập đoàn quá lớn nên cơ chế quản lý cồng kềnh. Đồng thời mảng xuất khẩu cao su gặp trở ngại khi cước phí vận chuyển tăng.
Nhu cầu cho sản phẩm công nghiệp từ cao su như gang tay cao su y tế sẽ có xu hướng giảm sau khi dịch bệnh được kiểm soát, làm doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động này của tập đoàn có thể sụt giảm.
—————————————————————————————————————-
Lưu ý: Đây là những thông tin liên quan đến doanh nghiệp đã được YSVN thu thập, phân tích dựa trên các nguồn đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể tham khảo để hiểu về ngành nghề và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, nội dung không mang ý nghĩa khuyến nghị đầu tư. YSVN không chịu trách nhiệm về tính chính xác và miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng thông tin trên đây đến kết quả đầu tư. Để nhận được khuyến nghị đầu tư cụ thể vui lòng mở tài khoản để được các chuyên viên tư vấn của Yuanta Việt Nam hướng dẫn giao dịch cụ thể với từng vị thế của khách hàng.
—————————————————————————————————————-
Bùi Thị Loan – Trưởng phòng học viện phát triển năng lực đầu tư
Email: loan.bui@yuanta.com.vn
Nguyễn Trung Hiếu – Chuyên viên học viện phát triển năng lực đầu tư
Email: hieu.nguyen1@yuanta.com.vn