Trang chủ Thực hành đầu tư Phân tích Cổ Phiếu LTG – HƯỞNG LỢI TỪ KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC?

10/06/2022 - 04:42

LTG – HƯỞNG LỢI TỪ KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC?

LTG – HƯỞNG LỢI TỪ KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC?

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCOM: LTG) là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp như (thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng) và thực phẩm (chủ yếu là gạo). Tham vọng của Lộc Trời là dần hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp, từ khâu giống, thuốc trừ sâu, sản phẩm lúa gạo… Từ năm 2019 hưởng lợi từ việc tăng giá lương thực trên toàn thế giới, LTG tập trung nguồn lực nhiều hơn cho mảng lương thực và tỷ trọng mảng này đang vươn lên chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của LTG.

Tổng quan ngành

Đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ukraine đã buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Do vậy, nguồn cung đang thắt chặt ở các nước xuất khẩu gạo và các nước nhập khẩu cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu để dự phòng, từ đó đẩy giá gạo lên cao.

VN hiện đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ và Thái Lan, khi giá lương thực tăng là cơ hội cho doanh nghiệp và nông dân bù đắp chi phí sản xuất đã tăng cao. Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT cho biết: xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2022 đạt 1,48 triệu tấn, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo sẽ tăng khá khi mặt hàng gạo đang tận dụng được tốt các ưu đãi mà Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mang lại. Đây được xem là cơ hội cho các công ty sản xuất lương thực thực phẩm của Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.

Điểm nhấn đầu tư

LTG đang dẫn đầu thị phần gạo có thương hiệu trong nước với thương hiệu Hạt Ngọc Trời đồng thời cũng là doanh nghiệp đầu ngành thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam với khoảng 20% thị phần cả nước.

Sản phẩm gạo của LTG

Hiệp định EVFTA giúp giảm hàng rào thuế quan khi xuất khẩu gạo sang các quốc gia thành viên. Công ty có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường hiện hữu cũng như phát triển thị trường mới.

Vị thế là doanh nghiệp giống lớn thứ 2 Việt Nam, LTG có khả năng tận dụng thế mạnh nghiên cứu và phát triển giống nhằm nâng cao nguồn cung giống cây trồng

Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp dần mang lại quả ngọt, LTG dần chuyển cơ cấu sang mảng lương thực khi tiên phong xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững tại Việt Nam do mảng thuốc BVTV đang có dấu hiệu giảm dần khi việc sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng được đánh giá là có ảnh hưởng nguy hại tới sức khỏe con người và môi trường.

Tổng quan doanh nghiệp

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tiền thân là Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang được thành lập năm 1993. Hoạt động kinh doanh trên 03 mảng chính là thuốc bảo vệ thực vật (chiếm khoảng 20% thị phần), giống cây trồng và lương thực. LTG là doanh nghiệp nội địa dẫn đầu thị phần thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại Việt Nam cũng là doanh nghiệp dẫn đầu tiêu thụ gạo thương hiệu trong nước, và nắm giữ vị trí thứ 2 thị phần mảng giống cây trồng. LTG đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các công ty hóa chất nông nghiệp quốc tế hàng đầu như Syngenta (Thụy Sĩ), DEVI CropScience (Ấn Độ), ITOCHU (Nhật Bản) và được chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản phẩm bảo vệ thực vật từ các công ty này. LTG được giao dịch trên thị trường UPCOM từ tháng 07/2017.

LTG quản lý vận hành 02 nhà máy bảo vệ thực vật với tổng công suất 50.000 tấn/năm và một mạng lưới phân phối rộng lớn với hơn 5.000 đại lý trên toàn quốc. Tập đoàn còn có 01 Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp (Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành – DT ARC), 01 trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống, 03 nhà máy sản xuất giống, 03 trại sản xuất giống (800 ha).

Hoạt động kinh doanh

Nguồn LTG, YSVN tổng hợp

Năm 2021 doanh thu thuần của công ty đạt 10.224 tỷ đồng tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020 và lợi nhuận sau thuế cũng tăng 14% so với cùng kỳ tương ứng đạt 418 tỷ đồng. Có thể thấy trải qua giai đoạn khó khăn từ giữa năm 2018 do thị trường Trung Quốc thay đổi thuế suất thuế nhập khẩu tăng từ 5% lên đến 50% khiến cho LTG đã giảm tỷ trọng xuất khẩu đáng kể ở quốc gia này và có những bước chuyển mình nhất định khi chuyển hướng sang các thị trường khác.

Từ kết quả kinh doanh năm 2021 của LTG thấy được sự tăng trưởng nổi bật của mảng lương thực khi LTG thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp với doanh thu tăng gần gấp đôi so với năm 2020, đạt 4.073 tỷ đồng, trở thành một trong các ngành chủ lực, chỉ đứng sau mảng kinh doanh truyền thống thuốc bảo vệ thực vật.

Cơ cấu doanh thu

Nguồn LTG, YSVN tổng hợp

Doanh thu năm 2021 của LTG cho thấy mảng thuốc bảo vệ thực vật vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn khi chiếm đến 48,24%. Tiếp theo là mảng lương thực – gạo chiếm tỷ trọng lên đến 39,84% cơ cấu doanh thu đạt 4.073 tỷ đồng tăng 91,9% so với năm 2020. Mảng giống cây trồng đạt 857 tỷ tăng 18% so với năm trước và chiếm 8,38% doanh thu. 

Mảng thuốc bảo vệ thực vật

Thuốc BVTV là những loại hóa chất được sử dụng trong quá trình trồng trọt, nhằm bảo vệ cây trồng; tiêu diệt các sinh vật gây hại, mang mầm bệnh cho cây; kích thích tăng trưởng, cung cấp dinh dưỡng cho cây. LTG sở hữu 04 nhà máy sản xuất thuốc BVTV với tổng công suất lên tới 52.000 tấn/năm (đủ năng lực đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc BVTV tại Việt Nam). LTG chủ yếu nhập khẩu các hoạt chất, thành phẩm thuốc BVTV, sau đó phối trộn và phân phối dưới thương hiệu Lộc Trời. Ngoài ra, LTG cũng phân phối lại các sản phẩm của các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất thuốc BVTV. Các sản phẩm nông dược của LTG không chỉ sử dụng cho cây lúa mà còn cho các loại cây trồng khác.

Doanh thu thuần từ thuốc bảo vệ thực vật năm 2021 đạt 4.931 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Ngoài việc đây cũng là mảng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất của LTG từ trước đến nay thì thuốc BVTV còn có biên lợi nhuận cao. Lộc Trời hiện nắm giữ 20% thị phần thuốc bảo vệ thực vật nội địa.

Mảng giống cây trồng

Giống là đầu vào quan trọng trong quá trình canh tác nông nghiệp. LTG sở hữu Trung tâm nghiên cứu giống và 06 nhà máy sản xuất giống cây trồng với tổng công suất thiết kế đạt 62.600 tấn hạt giống các loại mỗi năm. Ngoài các giống bản quyền được doanh nghiệp trực tiếp nghiên cứu và phát triển (R&D), LTG còn mua thêm bản quyền giống (từ các viện nghiên cứu) hoặc nhập khẩu giống trực tiếp (từ các nhà cung cấp trong và ngoài nước) và phân phối dưới thương hiệu Lộc Trời. Tỷ lệ sản phẩm giống bản quyền hiện chiếm khoảng 20% tổng các sản phẩm giống của LTG. Giống lúa chiếm hơn 95% sản lượng giống sản xuất của doanh nghiệp, còn lại là giống ngô và giống rau màu khác (dưa hấu, dưa leo, đậu, rau…)

Lúa từ giống của LTG

Mảng giống cây trồng đóng góp 890 tỷ đồng doanh thu năm 2021, tăng 18% so với năm trước.

Mảng lương thực

Lộc trời bắt đầu dấn thân vào mảng lương thực từ năm 2012 và kể từ năm 2021 mới thật sự có sự nổi bật ở mảng này.

Lúa nguyên liệu được LTG thu mua chủ yếu từ vùng nguyên liệu liên kết tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu). Tại các vùng nguyên liệu này, LTG phân phối giống và các sản phẩm nông dược cho nông dân trồng lúa, do đó đảm bảo được chất lượng đầu vào của lúa nguyên liệu. Qua quá trình xay xát thóc lúa, gạo thành phẩm được phân phối dưới thương hiệu “Hạt Ngọc Trời”

Các sản phẩm gạo mang thương hiệu của LTG

Trong năm 2021, Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, vương quốc Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% doanh thu gạo của tập đoàn.

Kết quả hoạt động kinh doanh quý 1 năm 2022

Kết thúc quý 1 năm 2022, LTG có tổng doanh thu đạt 2.370,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Có một sự chuyển đổi rõ rệt trong cơ cấu doanh thu của LTG, thay vì mảng thuốc bảo vệ thực vật luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất thì từ quý 1/2022 mảng lương thực đã thay thế vị trí này chiếm 50% tổng doanh thu khi doanh thu từ lương thực của LTG tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 1.183 tỷ đồng, còn doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật đạt 981,2 tỷ đồng, giảm 37,7% so với cùng kỳ chiếm 41% tổng doanh thu, đây là lần đầu tiên doanh thu của mảng này rơi xuống dưới 50% trong cơ cấu doanh thu của LTG; nguồn thu còn lại đến từ hạt giống cây trồng, bao bì, xây dựng và các hoạt động khác.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ của LTG đạt 17,3 tỷ đồng tăng gần 7 tỷ và gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2020, đến từ lãi tiền gửi (4,8 tỷ đồng) và lãi chênh lệch tỉ giá hối đoái (12,5 tỷ đồng). Đồng thời chi phí tài chính giảm mạnh 36,6% xuống còn 70 tỷ đồng so với mức 110 tỷ đồng của năm trước.

Sức khỏe tài chính

Cơ cấu tài sản

Nguồn LTG, YSVN tổng hợp

Tại ngày 31/3/2022, quy mô tổng tài sản của LTG đạt 8.466 tỷ đồng, tăng 7,9% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỉ trọng lớn nhất lần lượt là 2.767 tỷ đồng và 2.456 tỷ đồng. Hàng tồn kho đã tăng 16,9%, chiếm 32,7% tổng tài sản của LTG. Còn các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 53% so với đầu năm. LTG thường xuyên phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi, và chịu rủi ro chiếm dụng vốn cao từ các đại lý phân phối khi cuối năm 2021 nợ quá hạn thanh toán lên đến 369 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn

Nguồn LTG, YSVN tổng hợp

Cơ cấu nguồn vốn của LTG với nợ phải trả chiếm 61,34%, trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn 3.569 tỷ đồng và các khoản phải trả cho người bán 490 tỷ đồng. Nợ vay ngắn hạn nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Còn các khoản nợ phải trả của LTG chủ yếu thuộc về bộ phận kinh doanh thuốc BVTV và gạo.

Khả năng sinh lời

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE của LTG từ năm 2019 có sự tăng trưởng trở lại do tác động của dịch Covid-19 giúp cải thiện hiệu suất sinh lời của các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và kinh doanh lúa gạo nói chung khi giá lương thực tăng cao.

Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản ROA của tập đoàn cũng tương quan với ROE có xu hướng tích cực trở lại từ năm 2019 cho tới nay khi doanh thu và lợi nhuận của LTG bắt đầu có sự tăng trưởng ổn định trở lại.

Khả năng thanh toán

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Hệ số khả năng thanh toán hiện hành của LTG ở mức tốt đều trên 1,2 qua các năm, do cơ cấu hàng tồn kho khá lớn do đặc thù kinh doanh của LTG nên hệ số thanh toán nhanh duy trì ở mức trên 0.5 lần và kể từ năm 2019 hàng tồn kho của tập đoàn cũng có dấu hiệu giảm thể hiện việc quản lý tồn kho hiệu quả hơn, từ đó hệ số thanh toán nhanh cũng tích cực hơn.

Rủi ro đầu tư

Rủi ro thời tiết tác động tới tình hình sản xuất nông nghiệp và tình hình biến động giá trên thị trường thế giới.

Rủi ro bị chiếm dụng vốn từ các khoản phải thu của đại lý thuốc BVTV khi các đại lý kinh doanh khó khăn hơn từ xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ khi thuốc BVTV trên cây trồng được đánh giá là có ảnh hưởng nguy hại tới sức khỏe con người và môi trường. Đồng thời thị trường thuốc bảo vệ thực vật có xu hướng bão hòa trong bối cảnh ngành nông nghiệp tại việt Nam bị đánh giá là lạm dụng thuốc trên cây trồng.

—————————————————————————————————————-

Lưu ý: Đây là những thông tin liên quan đến doanh nghiệp đã được YSVN thu thập, phân tích dựa trên các nguồn đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể tham khảo để hiểu về ngành nghề và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, nội dung không mang ý nghĩa khuyến nghị đầu tư. YSVN không chịu trách nhiệm về tính chính xác và miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng thông tin trên đây đến kết quả đầu tư. Để nhận được khuyến nghị đầu tư cụ thể vui lòng mở tài khoản để được các chuyên viên tư vấn của Yuanta Việt Nam hướng dẫn giao dịch cụ thể với từng vị thế của khách hàng.

—————————————————————————————————————-

Bùi Thị Loan – Trưởng phòng học viện phát triển năng lực đầu tư

Email: loan.bui@yuanta.com.vn

Nguyễn Trung Hiếu – Chuyên viên học viện phát triển năng lực đầu tư

Email: hieu.nguyen1@yuanta.com.vn