10/08/2022 - 10:17

PLX ĐẾN TỪNG BÌNH XĂNG

PLX ĐẾN TỪNG BÌNH XĂNG

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (HOSE:PLX) sở hữu mạng lưới phân phối hơn 2.500 trạm bán lẻ của Petrolimex và gần 3.000 đại lý trên toàn quốc, Petrolimex là nhà cung cấp lớn nhất tất cả các loại sản phẩm xăng dầu trên thị trường nội địa với thị phần khoảng 50%.

Tổng quan ngành

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tiếp tục tăng trưởng song hành với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6-7%/năm trong năm 2022. Đây là yếu tố cho thấy sự tăng trưởng ổn định của ngành kinh doanh xăng dầu.

Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng khá nhanh về số lượng sở hữu phương tiện giao thông vận tải lưu hành. Tốc độ tăng trưởng trung bình CAGR của dòng xe ô tô du lịch dự kiến đạt mức 22,6% cho giai đoạn 2020- 2025 và tiếp tục đạt mức 18,5% cho giai đoạn 2025-2035.

Là một quốc gia đang phát triển mạnh các lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng tăng trưởng tốt, góp phần thúc đẩy nhu cầu logistics, vận chuyển, di chuyển tăng lên, kéo theo đó là nhu cầu về xăng dầu ngày càng tăng.

Tổng quan doanh nghiệp

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có tiền thân Tổng Công ty Xăng Dầu Việt Nam, được thành lập vào năm 1995. Petrolimex chủ yếu nhập khẩu, phân phối và bán lẻ các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt. Với mạng lưới phân phối hơn 2.500 trạm bán lẻ của Petrolimex và gần 3.000 đại lý trên toàn quốc, Petrolimex là nhà cung cấp lớn nhất tất cả các loại sản phẩm xăng dầu trên thị trường nội địa và có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu khoảng 50%. Bên cạnh đó, Petrolimex cũng hoạt động trên các lĩnh vực kinh doanh khác như bảo hiểm, ngân hàng, giao thông vận tải với các thương hiệu như PLC, PGC, PG TANKER, PJJICO. PLX được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ tháng 04/2017.

Petrolimex là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất trong số 14 công ty được ủy quyền nhập khẩu sản phẩm dầu khí tại Việt Nam. Công ty cung cấp trung bình khoảng 9 triệu tấn các sản phẩm xăng dầu cho thị trường mỗi năm. Petrolimex là nhà cung cấp lớn nhất tất cả các loại sản phẩm xăng dầu trên thị trường nội địa. Petrolimex sở hữu hệ thống kho cảng có sức chứa lên tới 2,2 triệu m3 và hơn 570 km đường ống vận chuyển xăng dầu. Tập đoàn là đơn vị duy nhất có kho ngoại quan tiếp nhận tàu chở dầu cỡ lớn 150.000 DWT, sở hữu đội tàu viễn dương có tổng trọng tải 38.000 DWT.

Hoạt động kinh doanh

Lĩnh vực kinh doanh chính của Petrolimex là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc – hóa dầu, gas và vận tải.

Lĩnh vực phân phối và bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam

Cả nước hiện có khoảng 15.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung cấp hàng chục triệu tấn sản phẩm cho người tiêu dùng mỗi năm. Trong đó, PLX hiện là doanh nghiệp chiếm khoảng 50% thị phần với khoảng 5.500 cửa hàng xăng dầu (hơn 2.500 trạm bán lẻ của Petrolimex và gần 3.000 đại lý trên toàn quốc). Tiếp theo là Tổng công ty dầu Việt Nam – CTCP (PV OIL, mã OIL) nắm khoảng 20% thị phần.

Lĩnh vực hóa dầu 

PLX cung cấp các sản phẩm hóa dầu ra thị trường thông qua việc nắm giữ 79,07% vốn tại công ty con – Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) chuyên cung cấp dầu mỡ nhờn, nhựa đường và hóa chất. Lĩnh vực tiềm năng tăng trưởng dựa theo câu chuyện đầu tư công.

Mảng gas (LPG)

PLX tham gia vào thị trường phân phối LPG thông qua Tổng công ty Gas Petrolimex – PGC (PLX sở hữu 52,38% vốn), là nhà phân phối LPG top 3 tại Việt Nam với 9% thị phần. Đây là mảng kinh doanh sở hữu biên LN gộp cao nhất trong tất cả các lĩnh vực của tập đoàn.

Mảng vận tải

PLX hiện sở hữu hai công ty con: Tổng công ty Vận tải thủy (PGT) kinh doanh vận tải xăng dầu bằng đường biển và Tổng công ty Dịch vụ xăng dầu (PTC) kinh doanh vận tải xăng dầu bằng đường bộ, trong đó vận tải đường biển là mảng được tập đoàn đầu tư vốn lớn, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nhập khẩu xăng dầu của công ty. Tính đến thời điểm hiện tại, PLX sở hữu đội tàu chở xăng dầu lớn nhất cả nước với tổng tải trọng 500.000 DWT, chiếm 65% thị phần vận chuyển xăng dầu thành phẩm tại Việt Nam. Mảng vận tải đóng vai trò hỗ trợ các mảng kinh doanh cốt lõi của công ty.

Bên cạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi, PLX đã tham gia vào nhiều công ty liên doanh liên kết, mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực thiết yếu khác như bảo hiểm, ngân hàng và xây dựng. Đây là một phần trong chiến lược nâng cao vị thế thương hiệu của công ty. Các công ty liên doanh liên kết mang lại lợi nhuận cao và ổn định cho PLX trong nhiều năm qua, đóng góp khoảng 13-17% lợi nhuận ròng của PLX.

Địa bàn hoạt động

Trong nước: Tập đoàn hiện có Công ty, Chi nhánh, Xí nghiệp trực thuộc đóng trên 63/63 địa bàn tỉnh, thành phố.

Ngoài nước: Tập đoàn hiện có Công ty, Văn phòng trực thuộc tại 3 quốc gia Đông Nam Á gồm:  Petrolimex Singapore, Petrolimex Lào và Văn phòng đại diện tại Campuchia

Kết quả kinh doanh

Nguồn PLX, YSVN tổng hợp

Kết thúc năm 2021 doanh thu PLX đạt 169.105 tỷ đồng tăng 36,375 so với năm 2020 với lợi nhuận sau thuế đạt 3.123 tỷ đồng 149,5% so với cùng kỳ. 

Lũy kế 6T2022 doanh thu PLX đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ lên đến 151.441 tỷ đồng tăng 82,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lũy kế chỉ đạt 301 tỷ đồng, nguyên nhân do giá vốn hàng bán tăng cao làm biên lợi nhuận gộp giảm chỉ đạt 3,4% thấp hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2021. Yếu tố dẫn đến lợi nhuận gộp bị ăn mòn đến từ sự cố Nhà máy Nghi Sơn phải cắt giảm sản lượng sản xuất khiến PLX không đáp ứng được nhu cầu. Điều này dẫn đến PLX phải tìm tới nguồn cung khác, thay đổi kế hoạch nhập mua khiến chi phí vốn tăng cao. Bên cạnh đó chi phí cũng là tác nhân ăn mòn lợi nhuận khi bán hàng cũng ở mức cao lên đến 4.867 tỷ đồng, chi phí tài chính lên đến 812 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 390 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Petrolimex đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 186.000 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng. Tính đễn cuối quý 2 năm 2022, Petrolimex đã đạt được 81% mục tiêu doanh thu cả năm, nhưng chỉ mới đạt gần 10% mục tiêu về lợi nhuận.

Sức khỏe tài chính

Cơ cấu tài sản

Nguồn PLX, YSVN tổng hợp

Cuối năm 2021 tổng tài sản PLX đạt 64.790 tỷ đồng, cụ thể tài sản ngắn hạn đạt 41.303 tỷ đồng chiếm 63,7% cơ cấu tài sản, phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đến 30/06/2022 quy mô tổng tài sản tăng mạnh lên 81.048 tỷ đồng tương ứng với mức tăng 25% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, hàng tồn kho đạt mức 22.148 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn gần 12.155 tỷ đồng, lần lượt tăng 68% và 60% so với đầu năm 2022, do doanh nghiệp chủ động tăng nguồn xăng dầu để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước trước những lo ngại về biến động của thị trường. 

Trong quý 2/2022 Petrolimex đã thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng hóa tồn kho tại ngày 30/06/2022 do giá xăng dầu trong nước biến động theo chiều hướng giảm sâu (trên 3.000 đồng/lít) làm cho khoản mục này tăng mạnh lên đến 1.330 tỷ đồng. 

Cơ cấu nguồn vốn

Nguồn PLX, YSVN tổng hợp

Nợ phải trả của Petrolimex cũng tăng hơn 50% so với đầu năm, lên hơn 54.929 tỷ đồng, chiếm 68% tổng nguồn vốn. Cụ thể, phải trả người bán ngắn hạn gần 30.472 tỷ đồng tăng 92% và phải trả ngắn hạn khác gần 1.793 tỷ đồng gấp 8 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân do PLX tăng cường nhập xăng dầu để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ cũng như an ninh năng lượng trong nước.

Tại thời điểm 30/06/2022, PLX có dư nợ vay ngắn hạn gần 17.112 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong khi đó, dư nợ vay dài hạn giảm 5%, còn hơn 1.088 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021.

Khả năng thanh toán

Nguồn Fiinpro, YSVN tổng hợp

Khả năng thanh toán hiện hành luôn giữ ở mức từ 1 trở lên và khả năng thanh toán nhanh cũng duy trì ở mức tốt, tuy cuối năm 2021 có sự giảm nhẹ xuống còn 0,39 lần do lượng hàng tồn kho cao. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối quý 2 năm 2022 thì chỉ số này đã được cải thiện tăng lên mức 0,59 lần. 

Khả năng sinh lời

Nguồn Fiinpro, YSVN tổng hợp

Lợi nhuận trong giai đoạn 2020 sụt giảm kéo theo các chỉ số khả năng sinh lời ROA, ROE cũng giảm lần lượt đạt 1,61% và 3,95%. Đến năm 2021 do nhận được sự tác động tích cực từ việc giá dầu được neo ở mức cao nên góp phần cải thiện lợi nhuận của PLX. Tuy nhiên, cuối quý 2 năm 2022 do sự biến động liên tục của giá dầu, doanh nghiệp nhập lượng lớn hàng hóa từ nước ngoài một phần do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị sự cố làm cho giá vốn tăng, cùng với trích lập dự dòng giảm giá hàng tồn kho khiến cho lợi nhuận đang diễn biến theo chiều hướng giảm, từ đó các chỉ số ROA, ROE cũng phản ánh điều này.

Rủi ro đầu tư

Petrolimex nhập khẩu xăng dầu từ Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Trung Đông, Nga,.. thanh toán chủ yếu bằng USDphần còn lại được mua từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Vì vậy bất kỳ thay đổi trong giá dầu thế giới và tỷ giá hối đoái sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của PLX

Những biến động và bất ổn xoay quanh giá dầu sẽ phần nào tác động đến sự linh hoạt cũng như hoạt động kinh doanh của tập đoàn. 

Trong tương lai xa, khi vấn đề bảo vệ môi trường càng được đẩy mạnh thì việc sử dụng các phương tiện chạy bằng điện có thể làm giảm bớt các phương tiện chạy bằng xăng từ đó tác động trực tiếp đến phân phối xăng dầu.

—————————————————————————————————————-

Lưu ý: Đây là những thông tin liên quan đến doanh nghiệp đã được YSVN thu thập, phân tích dựa trên các nguồn đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể tham khảo để hiểu về ngành nghề và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, nội dung không mang ý nghĩa khuyến nghị đầu tư. YSVN không chịu trách nhiệm về tính chính xác và miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng thông tin trên đây đến kết quả đầu tư. Để nhận được khuyến nghị đầu tư cụ thể vui lòng mở tài khoản để được các chuyên viên tư vấn của Yuanta Việt Nam hướng dẫn giao dịch cụ thể với từng vị thế của khách hàng.

—————————————————————————————————————-

Bùi Thị Loan – Trưởng phòng Đào tạo đầu tư

Email: loan.bui@yuanta.com.vn

Nguyễn Trung Hiếu – Chuyên viên Đào tạo đầu tư

Email: hieu.nguyen1@yuanta.com.vn