Trang chủ Thực hành đầu tư Phân tích Cổ Phiếu TAR – CƠN ĐÓI LƯƠNG THỰC VÀ CƠ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP GẠO

14/06/2022 - 06:59

TAR – CƠN ĐÓI LƯƠNG THỰC VÀ CƠ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP GẠO

TAR – CƠN ĐÓI LƯƠNG THỰC VÀ CƠ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP GẠO

Công ty cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) không chỉ kinh doanh sản phẩm gạo trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài kể từ năm 2004. Trong năm 2021, TAR đã trúng thầu xuất khẩu 48 nghìn tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc. Đến nay, TAR mỗi năm có thể cung cấp tối đa 360.000 tấn gạo chất lượng cao cho thị trường và nổi bật trong đó là các sản phẩm gạo organic mang tên Trung An. 

Điểm nhấn đầu tư

Được hưởng lợi từ việc tăng giá gạo do ảnh hưởng của tình trạng “khủng hoảng an ninh lương thực” toàn cầu.

TAR có vùng nguyên liệu 800 ha của riêng doanh nghiệp ở Kiên Giang, đã được doanh nghiệp thải độc đất từ 5 năm trước và đang trồng một phần lúa hữu cơ, tiến tới hoàn toàn không dùng phân vô cơ, chỉ dùng phân vi sinh. Được xem là vùng nguyên liệu kiểu mẫu cho những sản phẩm gạo chất lượng nhất tung ra thị trường.

Các sản phẩm gạo của TAR về chất lượng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe để có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản nên có thể thâm nhập sâu hơn vào các thị trường này.

Người nông dân ra đồng canh tác

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của công ty tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 3.500 tỷ đồng (+12% cùng kỳ) và 110 tỷ đồng (+14,5% cùng kỳ). Tuy nhiên lợi nhuận ròng có thể tăng trưởng đột biến do TAR có kế hoạch chuyển nhượng lô đất có diện tích khoảng 10.000 m2 tại tỉnh Cần Thơ và kỳ vọng ghi nhận 470 tỷ đồng lợi nhuận từ giao dịch này.

Định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu

Tổng quan ngành

Đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ukraine đã buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Do vậy, nguồn cung đang thắt chặt ở các nước xuất khẩu gạo và các nước nhập khẩu cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu để dự phòng, từ đó đẩy giá gạo lên cao.

VN hiện đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ và Thái Lan, khi giá lương thực tăng là cơ hội cho doanh nghiệp và nông dân bù đắp chi phí sản xuất đã tăng cao. Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT cho biết: xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2022 đạt 1,48 triệu tấn, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo sẽ tăng khá khi mặt hàng gạo đang tận dụng được tốt các ưu đãi mà Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mang lại. Đây được xem là cơ hội cho các công ty sản xuất lương thực thực phẩm của Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tổng quan doanh nghiệp

Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tiền thân là công ty TNHH Trung An, được thành lập ngày 16/08/1996 tại Xã Trung An, Thốt Nốt, Cần Thơ. Công ty hiện có 4 nhà máy xây xát với máy móc và trang thiết bị hiện đại tại Cần Thơ với tổng công suất khoảng 360.000 tấn gạo/năm. TAR cũng định hướng từ 2022 -2025 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao đạt chuẩn từ 100 đến 200 ngàn ha.

Vận chuyển gạo lên xe

TAR không chỉ kinh doanh trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài kể từ năm 2004. Đến nay, TAR mỗi năm có thể cung cấp tối đa  360.000 tấn gạo chất lượng cao cho thị trường và nổi bật trong đó là các sản phẩm gạo organic. Chiến lược phát triển thương hiệu của TAR đã rất thành công khi chiếm lĩnh được thị trường nội địa đồng thời dần dần mở rộng ra các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

TAR đã không ngừng khẳng định vị thế, tạo dựng thương hiệu trên thị trường và chiếm được lòng tin với khách hàng trong và ngoài nước khi gạo Trung An ký hợp đồng chiến lược với Vinmart, các điểm bán lẻ và còn xuất khẩu tới bữa cơm gia đình của hơn 19 quốc gia trên thế giới bao gồm cả Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Châu Úc,… Trong năm 2021, TAR đã trúng thầu xuất khẩu 48 nghìn tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc.

Hoạt động kinh doanh

TAR đưa “Chất lượng trên từng hạt gạo” xâm nhập sang các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao như Châu Âu, Hàn Quốc, Úc sau khi hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 08/2020, là cơ hội để gạo Trung An có thể mở rộng thị phần ở các quốc gia EU.

Năm 2021 doanh thu thuần hợp nhất của TAR đạt 3.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 96,7 tỷ đồng tăng lần lượt 15,03% và 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn TAR, YSVN tổng hợp

Cơ cấu doanh thu

Năm 2021 doanh thu đến từ thị trường nội địa chiếm 81,2% đạt 2.534 tỷ đồng, còn 18,8% doanh thu đến từ xuất khẩu đạt giá trị 585,6 tỷ đồng chủ yếu là đến Hàn Quốc, Hồng Kông (17,8%), Malaysia, Đức,….

Trong năm 2021, doanh thu xuất khẩu của TAR tăng trưởng 35,7% so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Hàn Quốc chiếm đến 47,4% trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu đạt 277,5 tỷ đồng. 

Thị trường nội địa

Sản phẩm chủ yếu mà công ty hướng đến là gạo sạch Trung An và gạo hữu cơ Trung An với mục tiêu hướng đến người tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng và an toàn. Đặc biệt khi xu hướng chuyển dịch sang gạo có thương hiệu của người tiêu dùng ngày càng cao và rõ ràng hơn.

Gạo sạch Trung An

Công ty định hướng tập trung chăm sóc các cửa hàng bán lẻ gạo hiện tại và mở thêm cửa hàng mới tại khu vực TP.HCM và Hà Nội. Bên cạnh đó, công ty cũng định hướng tiếp tục tham gia sâu vào chuỗi giá trị của các tập đoàn sản xuất bún, phở,… do có lợi thế cạnh tranh về vùng nguyên liệu lớn và ổn định cùng với quy trình canh tác theo chuẩn GlobalGap, Organic.

Thị trường xuất khẩu

Kinh doanh gạo của TAR giai đoạn trước đây mang lại biên lợi nhuận rất thấp chỉ từ 1% đến 3%. Để cải thiện biên lợi nhuận ròng công ty định hướng mở rộng đến các nước phát triển như EU (hiện nay khoảng 80% thị phần của thị trường này là gạo đến từ LTG) và Châu Mỹ, Hàn Quốc, Singapore,… đặc biệt là thị trường EU khi giá xuất gần 1.000 USD/tấn, cao gần gấp đôi so với gạo thông thường, điều này sẽ giúp biên lợi nhuận của công ty tăng lên. Đối với các thị trường xuất khẩu có biên lợi nhuận thấp (Trung Quốc, Malaysia và Philippine), công ty định hướng sẽ chỉ duy trì các hợp đồng cũ.

TAR định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của công ty sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo của của nước, trong đó 30% tổng sản lượng xuất khẩu là gạo thơm và gạo thương hiệu.

Cập nhật kết quả kinh doanh quý 1 năm 2022

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của TAR quý 1 năm 2022 lần lượt là 958 tỷ đồng (tăng 119% so với cùng kỳ đạt 27% kế hoạch 2022) và 27 tỷ đồng (tăng 692% so với cùng kỳ, đạt 25% kế hoạch 2022). 

Trong tháng 1/2022, TAR đã thực hiện phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu (so với 46,2 triệu cổ phiếu tại thời điểm phát hành) với giá 18.000 đồng/cp để thu về 450 tỷ đồng. TAR dùng số tiền này để trả các khoản vay ngắn hạn, giúp giảm áp lực chi phí tài chính.

Sức khỏe tài chính

Cơ cấu tài sản

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Khoản mục phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của TAR lần lượt là 297 tỷ đồng và 1.015 tỷ đồng. Hai khoản mục này là nét đặc trưng của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành lúa gạo. Hàng tồn kho 1.015 tỷ đồng chiếm 71,9% cơ cấu tài sản ngắn hạn vì lúa gạo 1 năm có 3 vụ (Đông Xuân, Hè Thu và Vụ mùa) nên khi thu mua doanh nghiệp sẽ lưu kho và thường cuối năm tỷ trọng hàng tồn kho sẽ cao do các đơn hàng quốc tế chưa được chuyển đi.

Trong năm 2021, tài sản dài hạn ghi nhận sự sụt giảm về mặt giá trị đạt 589 tỷ đồng so với mức 615 tỷ đồng hồi đầu năm do công ty thanh lý một số tài sản cố định.

Cơ cấu nguồn vốn

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Tỷ trọng nợ ngắn hạn chiếm 98,4% trong cơ cấu nợ phải trả phù hợp với mô hình kinh doanh của công ty, chủ yếu là nợ vay các ngân hàng bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khả năng thanh toán

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Trong năm 2021, chỉ tiêu khả năng thanh toán của TAR có xu hướng tăng nhẹ khi tốc độ tăng của tài sản ngắn hạn nhanh hơn tốc độ tăng của nợ ngắn hạn. Trong đó hệ số khả năng thanh toán hiện hành qua các năm đều lớn hơn 1, tuy nhiên do lượng hàng tồn kho dặc thù lớn nên hệ số thanh toán nhanh ở mức khá thấp, năm 2020 ở mức 0,12 lần và được cải thiện lên 0,3 lần vào năm 2021.

Khả năng sinh lời

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vẫn duy trì ở mức khá tốt, có sự giảm nhẹ so với năm 2020 mặc dù công ty tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận do biên lợi nhuận vẫn khá thấp và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm hơn tốc độ tăng trưởng tài sản và vốn chủ sở hữu.

Rủi ro đầu tư

Sự cạnh tranh đến từ sản phẩm gạo của Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia khi xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài. Đặc biệt để vào các thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, Châu Âu,… sẽ khắt khe về tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Rủi ro thời tiết tác động tới tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước và tình hình biến động giá gạo trên thị trường thế giới cũng sẽ tác động đến TAR.

—————————————————————————————————————-

Lưu ý: Đây là những thông tin liên quan đến doanh nghiệp đã được YSVN thu thập, phân tích dựa trên các nguồn đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể tham khảo để hiểu về ngành nghề và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, nội dung không mang ý nghĩa khuyến nghị đầu tư. YSVN không chịu trách nhiệm về tính chính xác và miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng thông tin trên đây đến kết quả đầu tư. Để nhận được khuyến nghị đầu tư cụ thể vui lòng mở tài khoản để được các chuyên viên tư vấn của Yuanta Việt Nam hướng dẫn giao dịch cụ thể với từng vị thế của khách hàng.

—————————————————————————————————————-

Bùi Thị Loan – Trưởng phòng học viện phát triển năng lực đầu tư

Email: loan.bui@yuanta.com.vn

Nguyễn Trung Hiếu – Chuyên viên học viện phát triển năng lực đầu tư

Email: hieu.nguyen1@yuanta.com.vn