Trang chủ Thực hành đầu tư Phân tích Cổ Phiếu VGC CÙNG CÚ HÍCH BẤT ĐỘNG SẢN KHU CÔNG NGHIỆP

21/09/2022 - 06:25

VGC CÙNG CÚ HÍCH BẤT ĐỘNG SẢN KHU CÔNG NGHIỆP

VGC CÙNG CÚ HÍCH BẤT ĐỘNG SẢN KHU CÔNG NGHIỆP

Tổng Công ty Viglacera (HOSE: VGC) có tiền thân là Công ty Gạch ngói Sành sứ Xây Dựng, được thành lập vào năm 1974. VGC chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần vào ngày 22/07/2014. VGC là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam. 

Điểm nhấn doanh nghiệp

VGC sở hữu quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn tại những vị trí đắc địa tập trung ở khu vực Phía Bắc, Quỹ đất kinh doanh của VGC còn lại khoảng 1,063 ha ước tính đủ để cho thuê trong 7 năm tới với nhu cầu thuê hàng năm từ 135-150 ha.

Vốn FDI vào Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục tăng tạo tiền đề cho sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

VGC còn dư địa tiếp tục mở rộng quỹ đất, trong 3 năm tới, VGC dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm các khu công nghiệp mới như Thuận Thành – Bắc Ninh (250ha), Phú Bài – Huế (400 ha), Đồng Văn 4 mở rộng – Hà Nam (300 ha), Tiền Hải mở rộng và KCN mới – Thái Bình (520 ha), 02 KCN tại phía Nam (Vũng Tàu và địa điểm khác khoảng 1,000 ha),…

Mảng VLXD phục hồi trở lại sau giai đoạn đại dịch được kiểm soát.

Tổng quan ngành

Các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB nhận định khá lạc quan về triển vọng khôi phục và phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022, tốc độ tăng GDP đạt 6,5% – 6,8%. 

Ngày 13/11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 đảm bảo nhu cầu cho Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm. Nghị quyết đưa ra lộ trình phân bổ để tăng quỹ đất KCN từ 90,83 nghìn ha vào năm 2020 lên 152,84 nghìn ha (+68,3%) vào năm 2025 và 210,93 nghìn ha (+132,2%) vào năm 2030 tạo điều kiện tốt cho lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp phát triển.

Ngành vật liệu xây dựng đang ít có dư địa tăng trưởng mạnh trong giai đoạn hiện nay khi chịu tác động kép từ giá nguyên vật liệu tăng, lạm phát của nền kinh tế chưa có dấu hiệu dừng lại cùng với thị trường bất động sản và xây dựng đang bị kiểm soát chặt chẽ.

Tổng quan doanh nghiệp

Tổng Công ty Viglacera (VGC) có tiền thân là Công ty Gạch ngói Sành sứ Xây Dựng, được thành lập vào năm 1974. VGC chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần vào ngày 22/07/2014. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty gồm: (i) Đầu tư, xây dựng, kinh doanh phát triển nhà ở, bất động sản; và (ii) Sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng (cụ thể là: kính xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, sản phẩm đất sét nung). 

Công ty đã và đang triển khai 1.327 ha diện tích khu công nghiệp và dịch vụ, gồm 4 khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh và khu công nghiệp Phú Hà ở Phú Thọ. 

VGC là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của VGC hàng năm đạt 35 triệu USD. Sản phẩm của Công ty được xuất khẩu tới hơn 40 quốc giá và vùng lãnh thổ.

Các sản phẩm vật liệu xây dựng chính của công ty gồm: kính xây dựng chiếm 40% tổng công suất thiết kế toàn ngành, gạch ốp lát, gạch ngói và các sản phẩm sứ, sen vòi và phụ kiện.

Hoạt động kinh doanh

Lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD)

Mảng VLXD của VGC hiện gồm 4 mảng nhỏ: Mảng gạch ốp lát; Mảng gạch ngói; Mảng kính gương; Mảng sứ, sen vòi và phụ kiện.

Lĩnh vực bất động sản

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đầu tư và phát triển Bất động sản, Viglacera hiện là một trong những Nhà phát triển Bất động sản và Khu công nghiệp hàng đầu Việt nam với nhiều dự án xây dựng tầm vóc, được vận hành chuyên nghiệp theo Chuẩn quốc tế.

VGC chủ trương đa dạng hóa đầu tư đều tại hầu hết các phân khúc bất động sản, gồm khu công nghiệp, đô thị – nhà ở, văn phòng – thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng. Ở giai đoạn hiện nay, công ty tập trung đầu tư ở phân khúc hạ tầng khu công nghiệp và nhà có giá trung bình và thấp; Công ty định hướng tổ chức nghiên cứu, áp dụng công nghệ sản xuất mới và đa dạng hoá sản phẩm vật liệu xây dựng.

VGC hiện nay sở hữu quỹ đất cho thuê KCN đạt 3,325 ha và là một trong những doanh nghiệp cho thuê KCN lớn nhất cả nước (với quỹ đất cho thuê tập trung chủ yếu ở miền Bắc).

Kết quả kinh doanh

Nguồn VGC, YSVN tổng hợp

Quý II/2022, doanh thu thuần của VGC đạt hơn 4.268 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng tăng 75%, lên gần 1.312 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 25,5% lên 30,7%. Trong đó, doanh thu bán các sản phẩm kính, gương chiếm hơn 27,6% và doanh thu cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp chiếm 31%. Doanh thu tài chính của VGC cũng ghi nhận gấp 3 lần cùng kỳ, lên hơn 22 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VGC ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 8.100 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế và lãi ròng lần lượt đạt 1,740 tỷ đồng và gần 1,442 tỷ đồng.

Nguồn VGC

Mảng gạch ốp lát ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong quý 2/2022 với doanh thu đạt hơn 900 tỷ đồng, tăng 43.5%. Sau 6 tháng đầu năm 2022, VGC ghi nhận doanh thu mảng gạch ốp lát đạt 1,510 tỷ đồng, tăng 32.5%; lợi nhuận gộp đạt 271 tỷ đồng; giảm 6.09% so với cùng kỳ 2021.

Mảng gạch, ngói đất sét nung ghi nhận doanh thu đạt 450 tỷ, giảm nhẹ 3.6% trong quý 2/2022; lợi nhuận gộp đạt 46.6 tỷ đồng, tăng mạnh 267% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng 2022, doanh thu tăng trưởng nhẹ 2%, đạt 866.6 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 24.8% nhờ tiết giảm được giá vốn hàng bán.

Mảng kính xây dựng của VGC tăng trưởng mạnh 176% trong quý 2/2022, đạt 655 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 250 tỷ đồng, tăng 338% nhờ đóng góp đáng kể từ hợp nhất Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ. Lũy kế 6 tháng 2022, VGC ghi nhận doanh thu mảng kính xây dựng đạt 1,514 tỷ đồng, tăng 216.5%; lợi nhuận gộp đạt 585 tỷ đồng; tăng 441% so với cùng kỳ.

Mảng sứ và phụ kiện khác ghi nhận doanh thu quý 2/2022 đạt 272 tỷ đồng, giảm 8%; lợi nhuận gộp 105 tỷ đồng, tăng 22.8% so với cùng kỳ. Sau 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu đạt 526 tỷ đồng, tăng 0.77%; trong khi đó lợi nhuận gộp tăng mạnh 24%, đạt 182 tỷ đồng nhờ doanh nghiệp tích cực đầu tư vào tự động hóa, giảm lao động thủ công qua đó giúp giá vốn hàng bán giảm 8.33% so với cùng kỳ.

Trong quý 2/2022, VGC tiếp tục ghi nhận doanh thu hoạt động kinh doanh mảng bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng mạnh, đạt 1,421 tỷ đồng, tăng 54.8%; lợi nhuận gộp quý 2 đạt 567 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu thuê tăng tại các khu công nghiệp hiện hữu khi dòng vốn FDI khu vực miền Bắc (như Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam, Hưng Yên…) phục hồi sau thời gian gián đoạn bởi dịch bệnh. Sau 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của mảng này đạt 2,352 tỷ đồng, tăng 39.7%; lợi nhuận gộp đạt 1,058 tỷ đồng, tăng 61.3% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp 6 tháng 2022 tiếp tục cải thiện, đạt 44.9% (năm 2021 là 37.5%). 

Kế hoạch kinh doanh 2022, VGC dự kiến đem về 15.000 tỷ đồng doanh thu và 1,700 tỷ đồng lãi trước thuế hợp nhất. Như vậy, Công ty đã thực hiện được 54% chỉ tiêu doanh thu và sớm hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế của cả năm.

Chiến lược kinh doanh 2022

Trong năm 2022, VGC tập trung triển khai thực hiện dự án đầu tư Nhà máy gạch Viglacera Eurotile vào khai thác đúng tiến độ; Đầu tư dây chuyền hiện đại nhất thế giới vào sản xuất tấm lớn porcelain bằng công nghệ Continua+ của Sacmi (Italia); Khối Sứ vệ sinh- sen vòi đầu tư chiều sâu công nghệ tự động hóa, nâng cao năng suất chất lượng, giảm lao động thủ công; Tăng sản lượng và nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đồng bộ hóa các bộ sản phẩm; Tập trung vào phát triển công nghệ lõi, sản phẩm mang tính độc đáo với công nghệ tân tiến. TCT Viglacera tiếp tục nghiên cứu triển khai đầu tư Dự án Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ giai đoạn 2, công suất 900 tấn/ngày.

Đối với lĩnh vực bất động sản, VGC tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại các KCN đang triển khai. Mục tiêu phấn đấu năm 2022-2023 Tổng công ty chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư mới khoảng 2.000 ha khu công nghiệp: KCN Phù Ninh (Phú Thọ), KCN Đông Triều (Quảng Ninh), KCN Tây Phổ Yên (Thái Nguyên), tổ hợp KCN-ĐT- DV tại Yên Bái…

Sức khỏe tài chính

Cơ cấu tài sản

Nguồn VGC, YSVN tổng hợp

Tại thời điểm 30/06/2022 tổng tài sản của VGC đạt 22.475 tỷ đồng, tăng nhẹ 479 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó tài sản dài hạn đạt 14.023 tỷ đồng chiếm 62,4% tổng tài sản, phù hợp với hoạt động kinh doanh của công ty. 

Công ty có lượng tiền dồi dào lên đến 2.808 tỷ đồng chiếm 12,5% tổng tài sản, bên cạnh đó lượng hàng tồn kho đạt 3.923 tỷ đồng tăng 266 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 17,5% tổng tài sản.

Tài sản dài hạn của công ty chủ yếu là tài sản cố định 5.644 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn đạt 4.698 tỷ đồng chủ yếu là các dự án khu công nghiệp mà công ty đang triển khai mới như Khu công nghiệp Thuận Thành giai đoạn I, Dự án nâng cấp dây chuyền I Nhà máy Viglacera Tiên Sơn, tăng đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Phong II C, Khu công nghiệp Yên Mỹ…

Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản của VGC luôn ở mức thấp và giao động trong khoảng từ 9%-15%, tính đến quý 2/2022 tỷ lệ này là 14.89%. Điều này cho thấy VGC đang có cơ cấu tài chính khá an toàn và chịu ít gánh nặng về chi phí tài chính

Cơ cấu nguồn vốn

Nguồn VGC, YSVN tổng hợp

Tổng nợ của công ty là 13.362 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, vay nợ thuê ngắn hạn gần 1.819 tỷ đồng tăng 372 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ dài hạn của công ty lại có xu hướng giảm nhẹ còn 1.572 tỷ đồng, giảm 170 tỷ đồng so với đầu năm.

Khoản mục doanh thu chưa thực hiện của VGC tương đối lớn lên đến 2.759 tỷ đồng tại thời điểm 30/06/2022, đây thực chất là một của để dành là tiền nhận trước của khách hàng thuê đất khu công nghiệp. Các chủ đầu tư khi thuê đất, cơ sở hạ tầng để thiết lập nhà máy, cơ sở sản xuất – kinh doanh thường cần sự ổn định, nên đã thanh toán trước gần như toàn bộ tiền thuê đất. Do vậy, các khoản doanh thu chưa thực hiện này hầu như chắc chắn được ghi nhận vào doanh thu khi đến kỳ hạch toán.

Khả năng thanh toán

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Các chỉ số về khả năng sinh lời của VGC đang có dấu hiệu tích cực, ROA và ROE lần lượt đạt 5,65% và 15,91% vào cuối năm 2021. Và các chỉ số này tiếp tục tích cực trong giai đoạn đầu năm 2022 khi doanh thu và lợi nhuận của VGC tiếp tục tăng vượt trội, cho thấy doanh nghiệp ngày càng tối ưu hóa lợi nhuận trong việc sử dụng đồng vốn và tài sản của mình.

Khả năng sinh lời

Nguồn FiinPro, YSVN tổng hợp

Rủi ro đầu tư

Đối với lĩnh vực vật liệu xây dụng, thị trường cho ngành này liên tục thay đổi nhu cầu về mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Do đó, các công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này phải thường xuyên thay đổi, bắt kịp xu hướng thị trường một cách kịp thời.

Chi phí giải phóng mặt bằng tăng, chi phí đầu tư tăng cao dẫn đến đơn giá cho thuê cao sẽ khó thu hút các dự án đầu tư đặc thù.

Rủi ro do thay đổi các chính sách quản lý về hoạt động đầu tư kinh doanh KCN đồng thời thủ tục phê duyệt các KCN có quy mô lớn khá lâu có thể mất nhiều năm.

—————————————————————————————————————-

Lưu ý: Đây là những thông tin liên quan đến doanh nghiệp đã được YSVN thu thập, phân tích dựa trên các nguồn đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể tham khảo để hiểu về ngành nghề và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, nội dung không mang ý nghĩa khuyến nghị đầu tư. YSVN không chịu trách nhiệm về tính chính xác và miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng thông tin trên đây đến kết quả đầu tư. Để nhận được khuyến nghị đầu tư cụ thể vui lòng mở tài khoản để được các chuyên viên tư vấn của Yuanta Việt Nam hướng dẫn giao dịch cụ thể với từng vị thế của khách hàng.

—————————————————————————————————————-

Bùi Thị Loan – Trưởng phòng Đào tạo đầu tư

Email: loan.bui@yuanta.com.vn

Nguyễn Trung Hiếu – Chuyên viên Đào tạo đầu tư

Email: hieu.nguyen1@yuanta.com.vn